(HNM) - Kênh bán lẻ hiện đại hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ theo xu hướng chung, nhưng kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng với các nhà sản xuất, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày.
Trong điều kiện người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu thì các doanh nghiệp càng chăm chút nâng cấp cho kênh bán hàng truyền thống để nâng cao doanh số của mình.
Doanh số bán lẻ truyền thống giảm
Trong những ngày thứ năm và thứ sáu trong tuần của tháng 6, tại hệ thống siêu thị Metro, rất nhiều chủ cửa hàng bán lẻ tập trung nghe chương trình huấn luyện kỹ năng quản lý và phát triển cửa hàng tạp hóa do Công ty Unilever Việt Nam tổ chức. Tại Metro An Phú, chị Nguyễn Thị Hoàng, chủ cửa hàng tạp hóa Mai Trinh trên đường Trần Não (quận 2) chăm chú ghi chép. Chị cho biết, cửa hàng tạp hóa của chị đã mở 7 năm. Trong 2-3 năm gần đây, doanh thu giảm hẳn; nhất là từ năm 2010 đến nay giảm 50%-70%. Chính vì vậy mà khi có lớp huấn luyện kỹ năng bán hàng chị đều sắp xếp đi dự để về "chăm chút" cho cửa hàng của mình. Cũng như chị Hoàng, chủ cửa hàng Ngọc Mai ở đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức cũng cho biết dù đã rất "chiều khách" nhưng doanh thu cũng giảm nhiều vì một phần người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng do giá cả tăng cao; phần khác thì các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang bị các kênh phân phối hiện đại "chiếm" mất khách hàng.
Để các chủ cửa hàng bán lẻ vốn quen với "mớ rau, con cá" tiếp cận với phương pháp bán hàng hiện đại, chương trình huấn luyện của Unilever Việt Nam tập trung vào các kỹ năng: sắp xếp cửa hàng ấn tượng; khai thác tối đa diện tích và tiện ích của cửa hàng; kỹ năng giao tiếp để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới; gia tăng vòng quay vốn và tăng lợi nhuận tối đa; quan sát và xử lý tình huống cạnh tranh với các cửa hàng khác… Không chỉ phân tích tâm lý khách hàng, Unilever còn trưng bày các cửa hàng mẫu để các chủ cửa hàng được xem trực tiếp cách sắp xếp…
Ông Trần Trọng Chinh, Trưởng phòng Đào tạo bán hàng Công ty Unilever Việt Nam cho biết, tâm lý khách hàng hiện nay đã khác so với trước. Theo nghiên cứu, khi đi mua hàng thì 70% món hàng người mua đã chọn sẵn ở nhà, còn 30% sẽ quyết định mua từ sự giới thiệu của cửa hàng, do sự hấp dẫn của chương trình khuyến mãi. Và đa số người đi mua hàng vẫn giữ thói quen mua các sản phẩm quen thuộc ở những cửa hàng quen biết, vì vậy việc giữ chân khách hàng cũ và thuyết phục khách hàng mới là rất quan trọng.
Bán lẻ truyền thống vẫn còn vai trò quan trọng
Bằng những hình thức khác nhau, các doanh nghiệp khác cũng tích cực hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ để tăng doanh thu cho mình. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại của Công ty sữa NutiFood cho biết, công ty này cũng đang tăng cường hỗ trợ người bán lẻ qua việc duy trì, phát triển, nâng cấp cửa hàng như gắn biển tên cửa hàng, trang trí trưng bày, kỹ năng giới thiệu sản phẩm mới… Do sản phẩm sữa gắn bó trực tiếp với sức khỏe người tiêu dùng, nên công ty chú trọng huấn luyện kiến thức để người bán thuyết phục khách hàng. Nhờ vậy, doanh thu của NutiFood tại TP Hồ Chí Minh và khu vực nói chung đã tăng hơn 120% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ của Việt Nam, trang mạng Research and Markets (mạng chuyên cung cấp thông tin tư liệu và nghiên cứu thị trường) khẳng định Việt Nam là một trong 5 thị trường bán lẻ sinh nhiều lời nhất trên thế giới. Trang mạng này nhận định, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng khoảng 23%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014. Còn theo thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, từ năm 2008-2009 kênh bán lẻ hiện đại chiếm 15% thị phần, năm 2010 tăng 17% so với 2009; từ năm 2010 sang quý II-2011 tăng 21%. Các siêu thị như BigC, Co.opMart, Metro… đều tăng điểm bán lẻ lớn khắp cả nước. Điều này cho thấy kênh phân phối hiện đại tăng trưởng mạnh, nhưng kênh phân phối truyền thống vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn.
Theo các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ, dù kênh bán hàng hiện đại đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng kênh bán hàng truyền thống vẫn đặc biệt quan trọng với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như thực phẩm, đồ gia dụng. Chính vì vậy, trong khi chưa thể xây dựng ngay hệ thống phân phối hiện đại, việc xây dựng hệ thống bán lẻ truyền thống mang tính hiện đại đang được các doanh nghiệp tận dụng để nâng cao doanh thu của mình và cũng từ đó, người tiêu dùng càng được hưởng nhiều tiện ích hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.