Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm chạp vì thiếu vốn

Hữu Hoài| 13/04/2011 07:08

(HNM) - Nhiều tuyến đê biển ở nước ta được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ sức chống chọi với bão lớn. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng đê biển gặp khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, nhiều địa phương chưa hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo đê biển…


Độ an toàn rất thấp


Nâng cấp đê biển Thụy Hải (Thái Bình).


Theo Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài, hệ thống phòng chống lũ của Việt Nam có độ an toàn rất thấp (chủ yếu là đê biển), thường xuyên bị bão lũ phá hỏng. Đa phần mái đê phía biển chưa có kè bảo vệ hoặc không còn cây chắn sóng nên thường xuyên xảy ra sạt lở... Một số đoạn đê biển ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh xuống cấp nghiêm trọng do hệ thống cống dưới đê xây dựng từ lâu, kết cấu tạm bợ. Tuyến đê biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam có nhiều đoạn bị sạt lở do đê biển và đê cửa sông chưa bảo đảm cao trình thiết kế, đa số có chiều rộng mặt đê nhỏ hơn hoặc bằng 3m. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, nguồn vốn "rót" cho chương trình đê biển ngày càng giảm khiến nhiều kè xung yếu chưa được nâng cấp, cải tạo. Thực tế là khi gặp bão, các tuyến đê biển tại Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hóa bị hư hỏng hoặc bị vỡ...

Nhiều chuyên gia nhận định, phần lớn đê biển ở nước ta chỉ được thiết kế chống gió bão cấp 9 ở điều kiện mức triều trung bình đạt tần suất 5%. Hầu hết các tuyến đê biển không đủ sức chống chọi với điều kiện biển hiện tại. Do vậy, các tỉnh ven biển thường xuyên phải hứng chịu nhiều thảm họa lũ (gần 70% dân cư tập trung sống ở vùng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ). Từ năm 1953 đến nay, thảm họa lũ tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của trên 200.000 người, thiệt hại về kinh tế 7,5 tỷ USD. Suốt 10 năm trở lại đây, mỗi năm bão lũ gây ra thiệt hại xấp xỉ 1,5% GDP cả nước. Trong khi đó, những dự báo về biến đổi khí hậu và nước trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn tới Việt Nam và thực tế có 5 thành phố: Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau hiện đã bị ảnh hưởng lớn của thủy triều. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng 75cm, thiệt hại với nước ta là 12 tỷ USD/năm, 1/6 dân số mất chỗ ở, 10% diện tích đất bị ngập (TP Hồ Chí Minh bị ngập 204km2, chiếm 10%; Đồng bằng sông Cửu Long 7.580km2, chiếm 19%)...

Vướng về kinh phí

Thực tế, Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình nâng cấp đê biển (chương trình nâng cấp đê biển Quảng Ninh - Quảng Nam từ năm 2006; chương trình nâng cấp đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang từ năm 2009 đến năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 19.500 tỷ đồng). Các cơ quan chức năng đã xác định tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, mức tối thiểu cũng phải chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chương trình nâng cấp đê biển Quảng Ninh - Quảng Nam, các tỉnh mới xây dựng, củng cố được 272km, đạt 1/5 tổng chiều dài cần nâng cấp, còn trên 1.400km đê chưa được củng cố. Với chương trình nâng cấp đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang, sau hơn 1 năm thực hiện, các tỉnh, thành có đê biển đã triển khai được 74 dự án củng cố nâng cấp; trong đó có 1 dự án hoàn thành, 13 dự án đang thi công và 60 dự án khác đang ở giai đoạn lập hồ sơ thi công. Tiến độ củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang còn chậm do vốn được giải ngân chỉ đạt 26%. Theo ông Trần Quang Hoài, một số dự án phân bổ kinh phí dàn trải. Việc tổ chức các ban quản lý dự án cũng chưa thực sự thống nhất. Tổng kinh phí nhà nước đầu tư cho cả giai đoạn 2006 - 2010 chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, tính trung bình mỗi năm khoảng 600 tỷ đồng rót cho cả hệ thống đê biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Tính ra, ngân sách nhà nước mới chỉ đủ khoảng 25% tổng kinh phí cho xây dựng đê biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm chạp vì thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.