(HNM) - N ếu trước kia, doanh nghiệp Việt Nam thường kêu ca cơ chế chậm đổi mới khiến họ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì nay, họ cần sự điều hành linh hoạt nhưng đúng quy luật của cơ quan chức năng. Song thực tế...
Còn nhớ tháng 6-2008, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, kiến nghị này được Bộ NN&PTNT chấp thuận và kết quả là hơn 1 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu với giá rất cao lại nằm trong kho trong khi vụ lúa hè - thu sắp thu hoạch. Có thể rút ra nhiều bài học từ sai lầm này và trong đó phải kể đến bài học về điều hành linh hoạt. Các bộ, ngành phải linh hoạt trong điều hành là điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn đề cập trong các buổi làm việc và các cuộc họp với bộ, ngành. Tuy nhiên, không ít cơ quan quản lý nhà nước lại lấy an toàn cho ngành làm đầu dẫn đến đưa ra quyết định vừa chậm vừa không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mà lãi suất trần cho vay là một ví dụ. Ngày 31-12-2009, trước dấu hiệu phục hồi của kinh tế trong nước, Chính phủ đã ngừng gói cứu trợ với lãi suất 4% đúng như công bố thì Ngân hàng Nhà nước phải lập tức hạ trần lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp tục vay ngân hàng với lãi suất thấp. Song cuối tháng 3-2010, Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố trần lãi suất cho vay ở mức 8% khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Với trần lãi suất vay như vậy khiến doanh nghiệp không vay cũng chết mà vay càng lo hơn. Trong khi đó, giải pháp thoát khủng hoảng và kích thích sản xuất mà các quốc gia trên thế giới áp dụng là hạ lãi suất ngân hàng. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về điều hành thiếu linh hoạt của một số bộ, ngành.
Vào thời điểm hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bằng chứng là khi giá cả các mặt hàng trên thế giới có biến động, ngay lập tức tác động đến kinh tế Việt Nam. Chính vì thế lại càng cần sự điều hành linh hoạt. Điều hành linh hoạt sẽ giảm thiệt hại cho doanh nghiệp đồng thời cộng hưởng thuận lợi để doanh nghiệp có thể bứt lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Còn chậm chạp và cứng nhắc thì... ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.