(HNM) - Sáng 31-10, nhà khoa học Tiền Học Sâm, một trong số ít người tiên phong của chương trình tên lửa hạt nhân và vũ trụ Trung Quốc, đã qua đời ở tuổi 98. Ông là người đặt nền móng cho việc phát triển ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc từ những năm 1950 và nhờ đó nước này trở thành cường quốc thế giới về vũ trụ, chỉ đứng sau Nga và Mỹ.
Nhà khoa học Tiền Học Sâm.
Tiền Học Sâm sinh năm 1911 tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Năm 1929 ông thi đỗ vào Khoa Công nghệ cơ giới, Đại học Giao thông Thượng Hải và nhận bằng tốt nghiệp năm 1934. Một năm sau đó, ông "khăn gói" tới Mỹ theo học tại Khoa Hàng không, Học viện Công nghệ Ma-xa-chu-xét. Vì học công nghệ phải vào công xưởng mà hồi đó công xưởng Hàng không Mỹ không hoan nghênh người Trung Quốc, vì vậy tháng 10-1936, ông đã chuyển sang học lý luận công nghệ hàng không, tức là học về ứng dụng lực học tại Học viện Khoa học công nghệ Ca-li-phoóc-ni-a (Caltech) và từ đó bắt đầu quá trình trở thành một trong những nhà khoa học tên lửa danh tiếng. Ông được may mắn làm việc dưới sự đỡ đầu của Giáo sư The-ô-đo Von Ca-man, một người Mỹ gốc Hung-ga-ri. Cùng với người thầy của mình, ông bắt đầu làm những thí nghiệm về tên lửa, một công việc mà vào thời điểm đó ít có người để ý đến. Ông giành học vị Tiến sĩ hàng không và toán học năm 1938 và sau đó làm trợ lý nghiên cứu viên Khoa Hàng không của Caltech.
Năm 1939, Không quân Mỹ bắt đầu chú ý đến kỹ thuật tên lửa và yêu cầu các nhà khoa học của Caltech nghiên cứu kỹ thuật JATO nhằm hỗ trợ các máy bay ném bom cất cánh được nhanh hơn. Năm 1943, khi biết Đức quốc xã đang phát triển tên lửa mới, Chính phủ Mỹ đã thành lập Jet Propulsion Lab (JPL, nay thuộc NASA và Caltech) để nghiên cứu về công nghệ phản lực và tên lửa. Tiền Học Sâm là một trong những người gốc Á ít ỏi được tham gia dự án Private A của Mỹ để chế tạo tên lửa có nhiên liệu rắn.
Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới lần thứ II (năm 1945), Tiền Học Sâm được đưa sang Đức ngay sau khi quân Đồng minh chiếm một căn cứ tên lửa quan trọng của Đức quốc xã, để hỏi cung những nhà khoa học hàng đầu trong chương trình tên lửa của chế độ Hít-le. Năm 1947, Tiền Học Sâm được Tiến sĩ Von Ca-man giới thiệu vào Ủy ban Cố vấn khoa học cho Không quân Mỹ, một vị trí vô cùng quan trọng trong Bộ Quốc phòng.
Năm 1948, Tiền Học Sâm có ý định về nước, nhưng mãi đến năm 1955, ông mới thực hiện được mong muốn này. Tháng 11-1955, Tiền Học Sâm và Tiền Vĩ Trường, nhà lực học, toán học ứng dụng, một trong những người đặt nền móng cho bộ môn lực học cận đại Trung Quốc hợp tác thành lập Viện Nghiên cứu lực học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và Tiền Học Sâm là Viện trưởng đầu tiên cho đến cuối những năm 70.
Tháng 1-2007, Trung Quốc thành công trong việc bắn hạ một vệ tinh khí tượng của chính mình, một công việc cho đến nay chỉ có hai "đàn anh" Nga, Mỹ làm được. Để phá hủy vệ tinh, cần một kỹ thuật cực kỳ tối tân về các bộ cảm biến, theo dõi và kiểm soát quỹ đạo chính xác. Người có công lớn trong lĩnh vực này là Tiền Học Sâm. Bên cạnh đó, nhờ ý kiến của ông mà Trung Quốc sao chép thành công tên lửa SS-2 của Nga, phát triển tên lửa liên lục địa Đông Phương 4 và 5 và sau đó là các tên lửa Trường Chinh 1, 2 và 3 mang vệ tinh và phi thuyền của Trung Quốc vào không gian. Ông cũng là người giám sát việc phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc. Tiền Học Sâm về hưu năm 1991 và sống yên bình tại Bắc Kinh đến cuối đời.
Minh Nhật
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.