(HNM) - Chuyện cây xanh Hà Nội và văn hóa ứng xử là một chủ đề mà rất nhiều người quan tâm. Trong quá trình hoạt động xã hội, trước mỗi sự kiện thì thái độ ứng xử của người dân hay chính quyền, của mỗi người, mỗi tổ chức hay tầng lớp xã hội đều thể hiện phông văn hóa. Đối với câu chuyện cây xanh Hà Nội "nóng" suốt tuần qua, đến thời điểm này cũng cần nhìn nhận lại một cách công bằng thái độ ứng xử của các bên liên quan trên tinh thần khách quan, minh bạch.
1. Chủ trương loại bỏ cây sâu, mục, không an toàn, không đúng quy hoạch để Hà Nội xanh, sạch, đẹp là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ lại làm nóng vội, triển khai hàng loạt, thiếu công khai minh bạch, nên đã gây bức xúc cho người dân. Sáng 20-3-2015, trong cuộc làm việc với Quận ủy Nam Từ Liêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tỏ thái độ về vấn đề này. Theo đó, lãnh đạo thành phố đã thống nhất chỉ đạo dừng việc thay thế cây xanh trên các tuyến phố theo đề án của Sở Xây dựng và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải đánh giá cho đúng, rà soát kỹ từng cây xanh định bỏ hoặc định thay thế theo tinh thần định bỏ cây nào cũng phải xem xét cho kỹ từng cây một, hạn chế đến mức thấp nhất việc loại bỏ những cây đã trồng.
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô luôn luôn phải giải quyết bài toán kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, bảo đảm tiêu chí chung là xây dựng Hà Nội trở thành đô thị "Xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại" như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì vậy, đối với mọi công việc, thành phố đều mong muốn cái gì chưa đẹp thì làm lại cho đẹp, đối với việc thay thế cây xanh cũng vậy, xanh thôi chưa đủ mà cần làm cho hệ thống cây vừa xanh vừa đẹp. Thành phố đang phải xử lý vấn đề kết hợp thế nào cho hài hòa giữa kế thừa cái cũ, cái đã có với việc chỉnh sửa, làm mới, vì thế không được nóng vội, giản đơn, mà phải có lộ trình, bước đi phù hợp và phải làm thật tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thấu hiểu và tạo sự đồng thuận. Khi còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận thì chúng ta phải dừng lại để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng đắn; phải nghiêm túc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập trong cách làm vừa qua, đồng thời phải tuyên truyền, giải thích những chủ trương của thành phố.
Ngay trong ngày 20-3-2015, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã quyết định dừng ngay việc thay thế cây xanh mà Sở Xây dựng đang cho triển khai thực hiện. Và hôm qua 22-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã quyết định: Thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua; thời gian chậm nhất 30 ngày phải báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định; yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, đồng thời kiểm điểm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Giám đốc Sở Xây dựng phải tạm đình chỉ công tác trưởng, phó phòng và cán bộ, công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra...
Có thể thấy thái độ hết sức quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, dư luận quan tâm. Đồng thời, cũng cho thấy lãnh đạo thành phố hết sức trân trọng và cầu thị đối với những ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân. Đây không phải lần đầu lãnh đạo TP Hà Nội ứng xử như vậy. Trước đây, thành phố đã nhiều lần tiếp thu kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, để xem xét, cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu bảo đảm yêu cầu hài hòa giữa phát triển và bảo tồn... Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên mỗi động thái đều thu hút sự quan tâm của cả nước và trong nhiều sự kiện đã trở thành "tâm chấn" của sự quan tâm này. Hà Nội là một thành phố ẩn chứa giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến với lượng di sản tầng tầng, lớp lớp, đang bước vào một cuộc kiến tạo mới với tiêu chí "Xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại", nên đã và đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề giữa bảo tồn và phát triển. Thành phố không thể chỉ duy trì những giá trị vốn có, bởi quy luật phát triển đòi hỏi phải tạo dựng những giá trị mới, song để kết hợp hài hòa giữa việc kế thừa cái cũ, tạo dựng cái mới là bài toán không đơn giản và không cho phép những tư duy đơn giản.
Như vậy, sau khi các nhà khoa học, người dân và báo chí có ý kiến không đồng thuận về việc chặt hạ, thay thế cây xanh một cách ào ạt ở một số tuyến phố, lãnh đạo TP Hà Nội đã tiếp thu, quyết định dừng ngay việc thực hiện, tiếp đó là quyết định thành lập đoàn thanh tra để làm rõ sự việc, yêu cầu kiểm điểm, đình chỉ cán bộ, cơ quan có liên quan. Rồi đây kết quả thanh tra sẽ làm rõ câu chuyện quá trình làm dự án, triển khai thực hiện việc chặt hạ và thay mới như vừa qua có sai phạm hay không. Cá nhân, cơ quan, đơn vị nào sai phạm, sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trách nhiệm đến đâu, đúng sai thế nào cần đợi kết luận của thanh tra, nhưng rõ ràng cách xử lý giản đơn, nóng vội khi chặt hạ, thay mới cây xanh như vừa qua là một trong những nguyên nhân gây "sóng gió" cho một chủ trương đúng của thành phố.
2. Ăm ắp trên các trang báo, trang mạng xã hội là ý kiến về cây xanh Hà Nội của giới học thuật, những người có danh tiếng và cả những người dân bình thường nhất. Ở góc độ công dân, mọi người có quyền bày tỏ thái độ của mình trước mọi vấn đề của xã hội. Vì vậy, không thể cho rằng cây xanh là chuyện nhỏ. Cây xanh, một thực thể sống rất nhỏ trong mỗi góc phố, mỗi con đường nhưng ẩn chứa trong đó là những hoài niệm của đời người, là những giá trị cảnh quan, thậm chí cả những giá trị tâm linh nên có ý nghĩa rất lớn và có thể xem là một thứ "di sản" trong trái tim mỗi con người, di sản của một vùng đất. Bởi vậy, vừa qua việc ào ào chặt hạ, thay mới cây xanh ở một số tuyến đường đã tạo ra những "cơn sóng" dư luận. Đây có thể xem là điều bình thường trong một "thế giới phẳng" về thông tin cũng như xã hội dân chủ của chúng ta như hiện nay. Thế nhưng, phía sau sự bình thường đấy lại có những câu chuyện rất không bình thường mà trong đó có vấn đề về văn hóa ứng xử.
Đi qua tuổi thơ chúng ta lớn lên, những "bạn cây" ngày càng già nua và có những cây không còn tỏa bóng trên con phố thân quen một thời. Để rồi mỗi người đều hiểu rằng đời cây cũng như đời người không thể là nhân chứng mãi mãi của thời gian. Nói như vậy, để thấy rằng trong mỗi đời người đều có những hàng cây và ẩn chứa trong đó một thứ tình cảm lắng sâu, bền chặt, nhưng không thể vĩnh viễn vì cây sẽ sâu, mục, sẽ già đi. Theo một con số thống kê, thành phố có khoảng 50.000 cây bóng mát trồng hai bên vỉa hè các tuyến phố. Trong đó có khoảng 5.000 cây xà cừ, bóng tỏa rộng, nhưng rễ nông, ăn ngang rất nguy hiểm cho các nhà mặt phố. Rồi khoảng gần 3.800 cây phượng rực rỡ ngày hè, nhưng cành giòn, có thể gẫy bất cứ lúc nào khi mưa về, gió đến... Đây là những loài cây nguy hiểm trong mùa mưa bão. Chưa kể rất nhiều cổ thụ trồng từ thời Pháp thuộc đã xuất hiện sâu mục ở gốc thân... Hệ quả tất yếu là trong một cơn mưa giông đêm 4-6-2014 đã có 119 cây đổ, 36 cây gẫy cành... Đây chỉ là một trong nhiều cơn giông đã quật đổ hàng trăm cây xanh trong lòng thành phố, còn biết bao tai nạn đè bẹp ô tô, xe máy, gây chết người, làm sập nhà hằng năm. Hà Nội là một thành phố xanh, nhưng cây xanh trong thành phố đang có nhiều vấn đề, đặc biệt chưa được quy hoạch một cách khoa học. Thế nên việc quy hoạch, chặt hạ, thay mới loại cây xanh chết, sâu, hỏng gốc rễ, nghiêng đổ, loại cây không đúng quy hoạch do trồng tự phát là hết sức cần thiết - đó là việc làm bình thường trong quản lý đô thị. Và nữa, nếu như ai đó đặt mình vào người thân, đồng nghiệp của những người xấu số bị cây đổ đè mất mạng trên đường, chắc chắn họ sẽ hiểu hơn vì sao thành phố có quyết định như vậy.
Người dân bình thường hay những vị lãnh đạo của thành phố đều có những suy nghĩ như thế. Và hơn ai hết lãnh đạo thành phố chính là những người trực tiếp quyết định quy hoạch thành phố trải rộng với những không gian xanh chứ không phải là một Hà Nội với cốt thép, bê tông phát triển theo chiều thẳng đứng. Họ hiểu hơn ai hết giá trị của những lá phổi xanh, những vành đai xanh. Hà Nội đã từng đầu tư hàng nhiều tỷ đồng để đánh mã số hơn 44 nghìn cây và xây dựng phần mềm quản lý cây xanh đô thị. Và có một thực tế không thể phủ nhận, những năm gần đây, có không ít dự án xây dựng đã được thành phố chuyển thành vườn hoa, công viên... Nói như vậy cũng để thấy nên đặt mọi sự việc vào đúng vị trí để có một điểm nhìn khách quan dẫn đường cho một tư duy đúng.
Trong một thế giới phẳng về thông tin, báo chí là những diễn đàn để người dân bày tỏ quan điểm, gửi đi những thông điệp của mình trước một sự kiện, một vấn đề nào đó của xã hội. Trong quá trình lãnh đạo điều hành của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, báo chí là một kênh thông tin đặc biệt quan trọng giúp cho việc tổ chức, điều hành tốt hơn, hiệu quả hơn. Những ngày vừa qua, nhiều ấn phẩm báo chí, nhiều mạng xã hội đã đưa ra những thông tin hữu ích, những góp ý xây dựng thẳng thắn, những giải pháp có tính khả thi trong việc điều chỉnh, quy hoạch hệ thống cây xanh trong lòng thành phố với tinh thần trách nhiệm và tình yêu Hà Nội. Chính những góp ý chân thành có văn hóa như vậy đã giúp TP Hà Nội rất nhiều trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Thế nhưng, cũng có những cơ quan báo chí và trang mạng xã hội nhân danh văn hóa, tự cho mình cái gọi là "độc quyền chân lý", xem mình là "luôn luôn đúng" để từ đó "thả" ra thứ ngôn ngữ hằn học, khiếm nhã, thậm chí tục tĩu để phê phán, quy chụp, kết tội và tệ hơn là nhục mạ người khác. Đáng nói hơn là các kiểu "ném đá", "đánh hội đồng", thậm chí kích động để biến tình yêu đối với cây xanh Hà Nội trở thành những hành vi phản văn hóa.
Qua những ý kiến, góp ý, tranh luận, chân lý sẽ sáng tỏ và các cấp chính quyền có những quyết sách đúng đắn vì lợi ích chung. Ý kiến có thể gay gắt, có thể ôn hòa nhưng trước hết cần chứa đựng tinh thần nhân văn, tinh thần xây dựng và nhất định không thể làm phương hại, gây tổn thương cho người khác. Biểu thị sự không bằng lòng với một quyết định, một việc làm của cấp có thẩm quyền bằng cách "xúc đất đá và những thứ bẩn khác hắt vào mặt người khác" là việc làm không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. Chúng ta không đồng tình, chúng ta phản đối cách chặt cây ào ạt, vội vã thiếu khoa học ở Hà Nội vừa qua nhưng chúng ta không thể chấp nhận những ai nhân danh văn hóa để bình luận ác tâm, hạ nhục người khác, kích động hỗn loạn xã hội. Khi những thứ nhân danh văn hóa để thực hiện những việc làm thiếu văn hóa được coi là bình thường thì việc xây dựng môi trường sống lành mạnh sẽ không có kết quả.
Vì vậy, chúng ta hãy yêu cây xanh, yêu Hà Nội, yêu đất nước bằng trái tim chân thành của những người hướng tới cái tốt, cái đẹp để cùng tạo sự đồng thuận xã hội giúp cho Hà Nội và đất nước ngày càng xanh hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.