(HNM) - Vừa qua, liên tiếp xảy ra các trường hợp cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh, khiến người đi đường bị thương. Có thể nói, cứ bước vào mùa mưa bão, hiểm họa từ việc cây xanh gãy đổ lại trở thành nỗi lo lớn với người dân.
Gần 70 cây gãy đổ
Theo thống kê của Phòng Quản lý cây xanh (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh), 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố có gần 70 cây gãy, đổ, làm hư hỏng hơn 10 ô tô, mô tô và làm bị thương 8 người, gây ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Đáng nói, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 130.000 cây xanh đường phố các loại, có hơn 200 cây chết được đốn hạ và hơn 220 cây già cỗi sâu bệnh trên một số tuyến đường trung tâm được thay thế, nhưng vẫn không tránh khỏi hiểm họa.
Cây xanh gãy đổ là hiểm họa khó lường với người đi đường. |
Điển hình, trận mưa cuối tháng 6 vừa qua, trên nhiều tuyến đường trung tâm TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra hàng loạt cây xanh gãy đổ, khiến một số người đi đường bị thương. Cụ thể, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), mưa kèm gió giật mạnh đã làm một cây me cao hơn 10m bật gốc, đổ ra chắn ngang đường, khiến một xe ô tô và một xe máy hư hỏng nặng. Nghiêm trọng hơn, trên đường Lê Duẩn, đoạn gần giao lộ với đường Pasteur (Quận 1), cây xanh cao hơn 20m bị gãy, đè trúng giàn đèn trang trí và rơi vào người một phụ nữ đang lưu thông qua bằng xe máy, khiến nạn nhân phải đi cấp cứu; đường Trường Chinh (quận Tân Phú), cây xanh bị gãy ngang phần gốc và đè lên xe máy khiến người điều khiển bị thương nặng. Mưa gió cũng làm cho nhiều cây xanh trên các tuyến đường như Hai Bà Trưng (Quận 3), Huyền Trân Công Chúa (Quận 1), Lý Thái Tổ (Quận 10)... bị gãy đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.
Hiện đang cao điểm mùa mưa ở TP Hồ Chí Minh, nên tình trạng trên vẫn có nguy cơ tái diễn. Trong khi đó, ghi nhận trên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh như Trường Chinh, Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình và Tân Phú); Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1 và 3); Lê Duẩn, Pasteur, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (Quận 1); Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo (Quận 5); 3/2, Lê Hồng Phong (Quận 10)…, hàng cây xanh hai bên tuyến đường chủ yếu là cây phượng, me tây, xà cừ, lim sét, sọ khỉ… Theo phản ánh của ông Lê Thế Công (60 tuổi, ngụ phường 6, Quận 3), người dân đang rất lo lắng về nguy cơ gãy đổ của những cây me tại tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão chúng tôi lại sống trong tâm trạng lo lắng khi hằng ngày đi lại dưới những cây xanh này”, ông Công nói.
Người dân chủ động tự bảo vệ
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý cây xanh (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh) cho hay, tình trạng nhiều cây gãy đổ vào mùa mưa là không thể tránh khỏi, bởi nhiều cây thuộc diện bị sâu bệnh, tồn tại nhiều nhánh khô, rễ, gốc cây không bám sâu vào lòng đất… Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp đã làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, nhiều cây rễ chùm không tiếp cận được nguồn nước, dẫn tới chết khô và dễ bật gốc khi gặp mưa gió. Mặt khác, các công trình ngầm như cáp viễn thông, điện, chiếu sáng, thoát nước, bê tông hóa vỉa hè... cũng trực tiếp xâm hại và khiến cây thêm khô cằn... Bên cạnh đó, công tác đánh giá tình trạng cây xanh bị mục rễ, sâu đục thân để xử lý trước khi gãy đổ lại rất khó khăn do chủ yếu thực hiện bằng kinh nghiệm và mắt thường, trang thiết bị hiện đại không có...
Hiện Phòng Quản lý cây xanh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ứng trực 24/24 giờ; huy động nhân lực, phương tiện và vật tư để chủ động giải quyết các trường hợp cây xanh không đáp ứng yêu cầu; chủ động kiểm tra đồng loạt cây cổ thụ có nguy cơ gãy đổ cao. “Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, khi có mưa và gió lốc người dân nên tránh đứng, dừng đậu xe dưới cây, hạn chế tham gia giao thông trên đường và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn”, ông Nguyễn Khắc Dũng đưa ra lời khuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.