Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh bị "bức tử"

Ban Bạn đọc| 09/08/2012 07:04

Báo Hànộimới nhận được thư của một số người dân tổ dân phố 8, khu Cầu Ngói, phường Mộ Lao (Hà Đông) phản ánh:

Báo Hànộimới nhận được thư của một số người dân tổ dân phố 8, khu Cầu Ngói, phường Mộ Lao (Hà Đông) phản ánh: "Thời gian qua, quận Hà Đông đã đầu tư trồng hàng trăm cây sao đen dọc đường Trần Phú, trong đó có khu Cầu Ngói. Trong khi hầu hết những cây mới trồng đã lên xanh tốt, riêng hai cây ở gần quán ăn Ngọc Anh đã bị người nào đó phá hoại bằng cách lay cho cây bật rễ rồi đổ nước sôi vào gốc để cây chết. Đến nay, cả hai cây sao đen tại địa điểm nói trên đã chết hẳn, cành lá khô giòn, không thể hồi phục. Là người dân sống tại khu vực này, chúng tôi rất bức xúc trước hành động phá hoại cây xanh như đã nêu...".

Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét có biện pháp ngăn chặn, không để tái diễn việc "bức tử" cây xanh trên địa bàn và trồng bổ sung cây mới ở những vị trí cây đã chết do bị phá hoại.

Nút giao thông "được trên, hỏng dưới"

Ông Trần Văn Minh (phường Quang Trung, Đống Đa) phản ánh: Từ cuối tháng 4-2012, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức thông xe cầu vượt tại nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc. Ngoài xây dựng cầu vượt, dự án còn tổ chức lại giao thông phía dưới cầu gồm xén hè mở rộng đường, xóa bỏ đảo giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông mới, sơn kẻ đường và biển báo hiệu.

Việc xây dựng cầu vượt nhẹ đã cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc xóa bỏ đảo giao thông là việc làm không khoa học, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Với diện tích nút quá rộng thì các đảo giao thông có tác dụng hướng các dòng xe đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái một cách hợp lý và trật tự. Các đảo giao thông còn là nơi phù hợp để bố trí các cột đèn tín hiệu giao thông. Hiện nay đèn hiệu tại nút Tây Sơn - Chùa Bộc vừa không đúng luật (cột đèn tín hiệu ở bên trái) vừa khó quan sát (đèn tín hiệu cho người đi bộ ở quá xa). Với các nút rộng thì các đảo giao thông có tác dụng như là "chiếu nghỉ" giúp người đi bộ qua đường an toàn.

Có lẽ sau khi xây dựng xong, các nhà quản lý cũng thấy được bất cập trên nên đã "sửa sai" bằng cách lắp đặt lại các đảo mềm. Tuy nhiên, việc lắp đặt các đảo mềm này vừa chắp vá, vừa không hiệu quả (vẫn không bảo đảm an toàn cho người đi bộ qua đường) lại không bảo đảm mỹ quan đô thị. Đặc biệt, sau khi đưa vào khai thác thì đèn tín hiệu giao thông tại đây ngừng hoạt động, đến nay đã tròn 3 tháng. Không rõ vì hỏng hay do đã có cầu vượt thì bỏ đèn tín hiệu (mặc dù đã đầu tư lắp đặt). Thực tế tại đây vẫn xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, vẫn có va chạm giao thông và đặc biệt nguy hiểm đối với người đi bộ qua đường. Rất mong các nhà quản lý cho khắc phục ngay các bất cập trên.

Đo huyết áp động mạch chưa đúng kỹ thuật

Bác sĩ Bùi Huy Hùng, nguyên giảng viên Học viện Quân y gửi thư đến Báo Hànộimới, trao đổi: Trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo viết, báo điện tử thường đưa hình ảnh các y, bác sĩ, cán bộ y tế cơ sở đang đo huyết áp động mạch cho bệnh nhân. Đặc biệt các hình ảnh này thường được đi kèm với công tác tuyên truyền cho việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, người có công, phụ nữ mang thai, chiến dịch phòng - chống dịch bệnh... Tuy nhiên, trong nhiều hình ảnh chúng tôi nhận thấy các cán bộ y tế thực hiện chưa đúng kỹ thuật đo huyết áp động mạch. Cụ thể, đo huyết áp động mạch thường được đo ở cánh tay vì cánh tay có một động mạch khá to chạy dọc suốt mặt trong của cánh tay, khi đến khuỷu tay thì động mạch này tách chia thành 2 động mạch nhỏ hơn và đi xuống cẳng tay (là động mạch trụ và động mạch quay). Như vậy đầu đo của máy đo huyết áp động mạch phải được đặt ở trên điểm gấp khuỷu tay ít nhất là 2cm và phải lệch vào phía mặt trong của cánh tay, là nơi có động mạch cánh tay đi qua. Trên một số hình ảnh như vừa nêu, nhiều hình ảnh cho thấy y, bác sĩ khi đo huyết áp lại đặt đầu đo ở điểm tiêm tĩnh mạch, ngay tại điểm gấp khuỷu tay là rất sai.

Tuyên truyền hoạt động của công tác y tế, nhất là y tế cộng đồng là rất cần thiết, tuy nhiên hình ảnh phục vụ tuyên truyền phải chuẩn xác về kỹ thuật chuyên môn. Kỹ thuật đo huyết áp động mạch tưởng như đơn giản nhưng lại rất cần thiết trong việc thăm, khám cho nhiều loại bệnh. Vì vậy, đề nghị ngành y tế sớm chấn chỉnh, tổ chức hội thảo, tập huấn ngay cho các cán bộ y tế về kỹ thuật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh bị "bức tử"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.