Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây trồng biến đổi gen chờ… chính sách

Đào Huyền| 10/08/2011 07:07

(HNM) - Cây trồng biến đổi gen đã xuất hiện 15 năm trên thế giới và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực...


Đậu tương là một trong những cây trồng biến đổi gen làm tăng thu nhập của người nông dân. Ảnh: Bảo Lâm

Tại hội thảo về triển vọng cây trồng BĐG tại Việt Nam mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có triển vọng phát triển cây trồng BĐG. Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản được xếp vào top đầu thế giới, song rất nhiều nguyên liệu phải nhập khẩu. Nếu sử dụng cây trồng BĐG, Việt Nam có thể tăng gấp 3 sản lượng nông sản so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, "có thể tăng diện tích lên 30% đến 50% vào năm 2020 đối với diện tích các cây biến đổi gen của ngô, bông đậu tương"- TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp khẳng định. Ngoài ra, cây BĐG sẽ cho chất lượng sản phẩm bảo đảm, thời gian thu hoạch nhanh, góp phần giảm sức lao động cho nông dân. Điều quan trọng cây BĐG là tiền đề nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí trung bình để sản xuất cây trồng BĐG trên thế giới bằng khoảng 30% tổng lợi nhuận, trong đó con số này ở nhóm nước đang phát triển là 18% và nhóm nước phát triển là 39%. Sự chênh lệch trên được lý giải là do ở các nước đang phát triển, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền sở hữu công nghệ còn lỏng lẻo dẫn đến chi phí bản quyền và vi phạm bản quyền thấp. Tuy đã xuất hiện trên thế giới 15 năm, nhưng cây trồng BĐG và sản phẩm từ nó vẫn gánh chịu những suy nghĩ "sợ hãi" của nhiều nước và người tiêu dùng trên thế giới. Trong khi có nhiều nước mạnh dạn phát triển cây BĐG thì nhiều quốc gia vẫn rất phân vân, dè dặt. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, ở một số quốc gia, người dân, nhà quản lý chưa hiểu rõ về cây trồng BĐG. Họ mới nhìn thấy mặt bất lợi chứ chưa thấy mặt hữu ích. Đặc biệt, với Việt Nam, do giá lương thực thực phẩm cao, cây trồng năng suất còn hạn chế, muốn thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, cần ứng dụng hài hòa cả kỹ thuật mới (cây BĐG) và sản xuất truyền thống.

Theo Bộ NN&PTNT, kế hoạch phát triển cây trồng BĐG ở Việt Nam chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I, từ năm 2006-2010, thử nghiệm một số giống trên đồng ruộng; 2010-2015 đưa một số giống cây vào sản xuất; đến 2020 diện tích một số cây trồng BĐG (ngô, bông, đậu tương) đạt từ 30% đến 50%. TS Lê Huy Hàm cho biết, hiện Việt Nam tiếp tục triển khai kế hoạch với những cây trồng BĐG như lúa có hàm lượng vitamin A cao; ngô kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu; đậu tương kháng sâu, kháng hạn; xoan tăng chất lượng gỗ; đu đủ kháng virus gây bệnh đốm vòng; bông kháng sâu, chịu hạn. Mục tiêu chính là đánh giá biểu hiện của gen trong điều kiện ruộng đồng Việt Nam và mức độ an toàn sinh học với môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển cây trồng BĐG tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn do trình độ sản xuất còn hạn chế, quá trình từ khảo nghiệm đến nhân rộng thường triển khai chậm. Bên cạnh đó, nỗi sợ hãi từ các sản phẩm BĐG vẫn chưa được xua đi trong tâm lý người tiêu dùng. Để "dọn đường" cho cây trồng BĐG, nhiều ý kiến kiến nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ bảo đảm an toàn sinh học. Trong quá trình thương mại hóa, phải liên tục đánh giá lợi ích và rủi ro từ việc sản xuất cây trồng BĐG. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống an toàn sinh học dựa trên kết quả của các mô hình trình diễn và thử nghiệm trên thực tế.

Hiện có hơn 29 quốc gia trồng cây BĐG với 14 triệu nông hộ và 130 triệu héc ta đất. Năm 2008, thu nhập tăng thêm từ việc sản xuất 4 loại cây trồng BĐG (ngô, đậu tương, bông và Canola) là 9,37 tỷ USD. Tổng thu nhập tăng thêm cho người sản xuất từ việc thương mại hóa các cây trồng BĐG trên toàn cầu trong 15 năm qua là 64,7 tỷ USD. Nhà kinh tế học người Anh Graham Brookes cho rằng, nếu không áp dụng cây trồng BĐG để đạt được sản lượng nông sản như năm 2009 thế giới sẽ phải sử dụng thêm khoảng 12,4 triệu héc ta đất canh tác. Và theo tính toán, thế giới đã cắt giảm được 0,39 triệu tấn thuốc sâu và giảm khoảng hơn 17% các chất độc hại ra môi trường liên quan đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... khi sử dụng cây trồng BĐG. Chỉ tính riêng năm 2009, cây trồng sử dụng công nghệ sinh học cũng giúp thế giới cắt giảm phát thải khí nhà kính tương đương 17,7 triệu tấn CO2, tương đương giảm lưu hành 7,8 triệu xe hơi chạy trên đường mỗi ngày.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cây trồng biến đổi gen chờ… chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.