(HNM) - Vốn là vùng quê chiêm trũng nhưng nhiều năm nay, ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, nhiều xưởng sản xuất đã mọc lên san sát và người dân nhanh chóng thích ứng với nếp sống thời công nghiệp "sáng vào nhà máy, chiều tan ca về nhà". Ngành nghề phát triển đa dạng làm cho làng quê như phố thị, là điều kiện để người nông dân "chân lấm, tay bùn" đổi đời.
Một xưởng may ở làng nghề Đại Thắng. |
Ngày nào cũng vậy, ông Phạm Văn Quyên, 54 tuổi, ở thôn Vân Hội bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng. Ông chuẩn bị cơm nước, pha ấm trà nóng nhâm nhi để còn kịp giờ vào làm việc tại Công ty May màn. Từ ngày có người về làng mở xưởng may màn, nhận ông vào làm công nhân đến nay đã 6 năm. Ông Quyên cho biết: "Công việc của tôi ở tổ đóng gói cũng chẳng vất vả lắm. Nếu như đi xin việc ở các nơi khác thì chắc chẳng ai nhận "công nhân" như tôi - một người đã cập kề tuổi nghỉ hưu. Doanh nghiệp làng mà, ai có nhu cầu đều được nhận vào làm với công việc phù hợp". Làm đều đặn, thu nhập của ông Quyên khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nếu so với trước đây chỉ trông vào làm ruộng, thì lương "công nhân" của ông giờ một tháng bằng cả nửa năm trước đây. Còn chị Phạm Thị Lan cho biết: "Làng có nghề, chúng em không phải đi xa. Trước đây, nhiều người phải vào tận TP Hồ Chí Minh hay Đồng Nai, Vũng Tàu… làm công nhân may, cuộc sống cũng eo hẹp lắm. Giờ đây làm việc ngay tại quê, không phải thuê nhà và giảm được nhiều chi phí khác nên cuộc sống mát mặt hơn".
Đi vòng quanh các thôn An Mỹ, Văn Hội, Phú Đôi hay Tạ Xá, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những xưởng sản xuất tại gia hay những xưởng tập trung hàng trăm lao động. Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu về làng nghề, anh Ngô Văn Tâm, cán bộ UBND xã phấn khởi nói: "Xã tôi giờ đã thành làng "công nghiệp" rồi, cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 70%, chỉ còn 30% là nông nghiệp. Toàn xã có 3.500 lao động trong độ tuổi thì 3.000 người có việc làm và thu nhập ổn định từ "nghề phụ". Một nửa trong số đó đã trở thành "công nhân" chuyên nghiệp, sản xuất tập trung trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Chẳng thế mà mỗi khi các làng vào vụ cấy hay vụ gặt, công thuê cấy lên đến 150.000 đồng cũng rất khó tìm người".
Theo anh Ngô Văn Tâm, xã Đại Thắng vốn là xã thuần nông, người dân cần cù, chịu khó nhưng quay vòng đất 3 vụ/năm, thu nhập cũng chỉ tạm đủ ăn mà thôi. Cuộc sống vất vả, nhiều người mạnh dạn rời làng đi tìm nghề mới, khởi đầu từ thôn An Mỹ. Năm 1993, hộ đầu tiên học được nghề dệt chã mang về địa phương, sau đó nhanh chóng nhân rộng. Đến nay, cả thôn An Mỹ có 550 hộ thì 350 hộ đã có khung dệt. Hộ ít cũng có 2 đến 3 máy, hộ nhiều có hàng chục máy. Theo tính toán của người làng, mỗi máy dệt, một ngày làm được 30-40kg chã, cho thu nhập 200.000 đồng. Từ thôn An Mỹ, nghề này lan ra cả thôn Tạ Xá, thu hút hàng chục hộ tham gia.
Giống như An Mỹ, trước đây hai thôn Văn Hội, Phú Đôi cũng không có nghề. Bà Phạm Thị Lân, thôn Vân Hội là người đầu tiên có công đưa nghề may màn về làng, để rồi đến nay đã lan rộng cả xã. Bà Lân kể, "vào khoảng năm 2002 bà được Công ty May 10 đặt vấn đề may gia công màn xuất khẩu cho công ty. Lúc đầu mới đưa nghề về khó lắm, vì người dân vốn quen cày, cuốc trong khi làm may phải tuân thủ quy trình chặt chẽ về kỹ thuật, thời gian… nên cơ sở của bà khá vất vả mới kịp được đơn hàng. Tuy nhiên, giờ đây, người lao động đã quen với nếp làm công nghiệp rồi. Công ty của bà Lân đã mở rộng với 300 lao động, sản xuất khép kín từ khâu cắt, may, đóng gói. Ngoài công ty này, 2 thôn Vân Hội và Phú Đôi còn có hàng chục xưởng may màn tập trung, thu hút từ 100 đến 200 lao động/xưởng và khoảng 50 xưởng làm phoocmica, đóng bàn ghế công nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Phạm Văn Hùng cho biết, khoảng chục năm nay, cả 4 thôn đều được nhân cấy nghề thành công. Trong đó, có hai thôn đã được công nhận đạt tiêu chí làng nghề. Hiện cả xã có 1.200 hộ tham gia sản xuất công nghiệp với 4 doanh nghiệp, 417 hộ sản xuất kinh doanh cá thể với nhiều nghề như dệt lưới chã , may màn xuất khẩu, cơ khí, khảm trai... Năm 2010, Đại Thắng được UBND huyện Phú Xuyên chọn đầu tư thí điểm mô hình nông thôn mới. Cùng với rất nhiều việc phải làm, xã đã xây dựng quy hoạch điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề tập trung rộng 30ha, đến năm 2012 sẽ đầu tư 15ha đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất. Xã còn có kế hoạch dạy nghề cho khoảng 1.000 lao động mỗi năm với các nghề là thế mạnh của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp, góp phần tạo bộ mặt mới cho vùng quê Đại Thắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.