Cách đây nhiều năm, khi mới ngoài 20 tuổi, tôi làm nhân viên bán hàng cho một công ty sản xuất dương cầm.
Mỗi lần quảng cáo trên vùng trồng bông của Đông nam Missouri, chúng tôi thường nhận được một đơn đặt hàng viết trên tấm thiệp: "Xin hãy mang đến cho cháu gái tôi một cây đàn màu đỏ bằng gỗ đào hoa tâm. Tôi sẽ trả 10 đô la mỗi tháng bằng tiền bán trứng". Tất nhiên, chúng tôi không thể bán một chiếc đàn mới để lấy 10 đô la mỗi tháng nên đã bỏ qua đơn đặt hàng đó.
Tuy nhiên, một ngày, tôi đã đến vùng này để giao hàng và vì tò mò, tôi quyết định tìm người đặt hàng nọ. Đó là một người phụ nữ lớn tuổi và tôi thấy bà sống trong một ngôi nhà nhỏ ở giữa cánh đồng trồng bông. Mái nhà thủng lỗ chỗ, sàn nhà rất bẩn và có cả lũ gà ở trong. Và tất nhiên, người phụ nữ lớn tuổi nọ không có bất cứ thứ gì thế chấp để có thể mua trả góp: Không xe hơi, không điện thoại, không công việc ổn định. Cháu gái bà khoảng 10 tuổi, đi chân trần và mặc một chiếc váy may từ bao đựng thức ăn gia súc.
Tôi giải thích cho bà rằng, chúng tôi không thể bán đàn và bà nên dừng viết thư cho chúng tôi mỗi lần thấy quảng cáo. Nhưng lời khuyên không có tác dụng, bà vẫn gửi đơn đặt hàng sáu tuần một lần. Luôn đặt một chiếc dương cầm mới, màu đỏ, và hứa rằng sẽ không bao giờ quên trả 10 đô la mỗi tháng.
Một vài năm sau, tôi sở hữu riêng một công ty bán đàn dương cầm. Khi tôi quảng cáo, đơn đặt hàng của người phụ nữ nọ bắt đầu được gửi đến chỗ chúng tôi. Trong nhiều tháng, tôi bỏ qua chúng.
Nhưng rồi một ngày, khi đi giao hàng ở vùng trồng bông đó, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Tôi có một chiếc đàn dương cầm màu đỏ trên xe. Mặc dù biết rằng quyết định của mình là sai lầm, tôi vẫn giao đàn cho bà và nói rằng bà có thể trả tôi 10 đô la mỗi tháng, điều đó có nghĩa là bà sẽ phải trả tôi tới 52 lần. Tôi mang chiếc dương cầm vào nhà và đặt nó ở chỗ mái nhà ít bị thủng nhất. Tôi cũng nhắc bà và cô cháu gái nhỏ cố gắng để lũ gà tránh xa cây đàn.
Thế rồi mỗi tháng hóa đơn thanh toán đều được gửi cho tôi đúng hẹn, tất cả là 52 lần.
20 năm sau đó, tôi có dịp đến một quán bar cùng bạn bè. Đang ngồi uống rượu, tôi bỗng nghe thấy tiếng đàn dương cầm rất thánh thót. Tôi nhìn quanh và thấy một phụ nữ trẻ đáng yêu đang chơi một cây đàn màu đỏ rất đẹp. Là người có chút năng khiếu âm nhạc, tôi choáng váng bởi tiếng đàn của cô ấy. Tôi chuyển đến gần chiếc bàn bên cạnh cô để có thể nghe và quan sát rõ hơn. Cô ấy mỉm cười, hỏi tôi muốn nghe bài gì. Và khi đến giờ giải lao, cô đến ngồi ở bàn của tôi.
- Ông có phải là người đã bán đàn cho bà ngoại của tôi cách đây lâu lắm rồi không? - Cô gái hỏi.
Vì không hiểu nên tôi yêu cầu cô ấy giải thích.
Cô bắt đầu kể và tôi đã nhớ ra. Trời đất ơi! Đó chính là cô bé đi chân trần và mặc chiếc váy làm từ bao đựng thức ăn gia súc ngày nào. Tên cô là Elise và vì bà ngoại không thể trả học phí nên cô đã học chơi đàn qua radio. Cô đã bắt đầu chơi ở nhà thờ và sau đó là ở trường học, đạt được rất nhiều giải thưởng và một học bổng âm nhạc, nay đã trở thành một nghệ sĩ tài năng.
Câu chuyện về cô bé nghèo khổ yêu âm nhạc ngày xưa đã khiến tôi nghiệm ra một điều, trong cuộc sống này, sự quan tâm sẻ chia dù rất nhỏ với người khác rất quan trọng. Nó có thể giúp một con người bình thường phát huy được tài năng của mình và trở nên hữu ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.