(HNM) - Mấy chục năm hành nghề ở Báo Hànộimới trong thời chiến tranh và bao cấp, đến khi nghỉ hưu, lại cùng hoạt động 13 năm trong Ban Liên lạc nhà báo cao tuổi Hà Nội, tôi biết Dương Linh là nhà báo lâu năm, một Phó Tổng Biên tập có tay nghề, một cây bút chính luận, dịch thuật sắc sảo. Tới đêm đông này, chàng trai Hà Nội như cánh hạc đã bay về trời, để lại nơi bạn bè, đồng nghiệp niềm tiếc thương sâu sắc, nỗi đau không nói nên lời.
Dương Linh, tên khai sinh là Dương Hải Di, sinh ngày 7-4-1927 tại Hà Nội, quê gốc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học. Cha làm giáo viên tiểu học. Ông nội là văn nhân Dương Bá Trạc. Cụ ngoại là Cử nhân Lương Văn Can. Hai nhân sĩ yêu nước đã sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Học Trường Bưởi, đỗ tú tài phần thứ nhất, ông sớm tham gia các hoạt động yêu nước.
Nhật đảo chính Pháp, Dương Linh hoạt động bí mật trong đội Tuyên truyền thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, tham gia chiếm Bảo an binh ngày 19-8-1945, rồi vào Vệ Quốc Đoàn. Kháng chiến chống Pháp, ông làm Báo Dân Quân Khu 2, rồi Báo Dân Quân Liên khu 3.
Giữa năm 1949, bị bệnh lao, ở vùng tự do khó có phương tiện chữa chạy, ông xin phép tạm vào nội thành, vừa chữa bệnh, vừa nhận công tác của Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội.
Vào cuộc, ông gặp ngay sự bất ngờ. Sau hai lần bắt được liên lạc với Phạm Hướng (Tư Coóng) thì Tư Coóng biến mất (sau này mới biết anh bị bắt, đày ra Côn Đảo và hy sinh trong chuyến vượt biển về đất liền). Đang mất liên lạc, ông gặp được Lê Kim Tùng (Trần Nam), cán bộ hoạt động nội thành, người bạn học cũ ở Trường Bưởi. Thế là ông được kéo vào công tác vận động học sinh Hà Nội.
Còn nhớ, đúng ngày 1-1-1950, ông cùng một số đoàn viên họp kín tại nhà một “cảm tình” ở phố Găm-bét-ta (nay là Trần Hưng Đạo) và cùng quyết định ra Báo Nhựa sống bí mật, cơ quan của đoàn Học sinh Kháng chiến Hà Nội. Báo ra mắt trong bối cảnh các trường học biểu tình, bãi khóa, để tang học sinh Trần Văn Ơn bị chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn giết hại, gây được thanh thế của Đoàn Học sinh Kháng chiến Hà Nội. Trong ba năm liền, Nhựa sống ra đều đặn, mỗi tháng một số, là công cụ đắc lực tuyên truyền, tổ chức thanh niên, học sinh có những hoạt động thiết thực, ủng hộ kháng chiến, hướng về cách mạng, về Bác Hồ.
Tới tháng 10-1952, địch mở đợt khủng bố lớn. Một đêm, mật thám xộc vào khám nhà, phát hiện tập Nhựa sống, liền bắt ông đưa về giam ở Ty Liêm phóng Bắc Việt (cơ quan Công an Hà Nội hiện nay). Sau gần một tháng tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, chúng phải thả ông ra. Song chỉ mấy ngày sau, ông lại bị chúng bắt khi đang liên lạc với cơ sở ở phố Cao Bá Quát, đưa xuống trại giam Thịnh Liệt. Ông vẫn bị bệnh lao nên phải chuyển sang khu giam tù ở Bệnh viện Bạch Mai. Đúng một năm sau, được trả tự do, ông ra vùng kháng chiến, học lớp chỉnh huấn, rồi cùng đại quân về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 ở tuổi 27.
Thấy Dương Linh đã làm báo từ kháng chiến chống Pháp, tháng 8-1957, Thành ủy điều ông sang làm Báo Thủ đô, cơ quan ngôn luận ra hằng ngày đầu tiên của Đảng bộ thành phố. Từ đó, qua Thủ đô Hà Nội, rồi Hànộimới, Dương Linh từng bước trưởng thành, từ phóng viên trở thành Trưởng ban, Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng biên tập.
Trong 34 năm, Dương Linh lần lượt phụ trách các bộ phận của báo hằng ngày, hai lần làm Thư ký tòa soạn, song lĩnh vực phụ trách lâu nhất là thời sự - chính trị và văn hóa - xã hội. Sau ngày giải phóng miền Nam, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Hànộimới là tờ báo đầu tiên có trang chủ nhật hằng tuần. Tới tháng 4-1989, trang chủ nhật phát triển thành Hànộimới Chủ nhật ra 6 trang, vẫn do ông phụ trách.
Trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau, Dương Linh sử dụng đủ mọi thể loại báo chí với nhiều bút danh: Đinh Lương, Trần Anh Chi, Chính Ngôn, Thành Hà… Về sau, ở cương vị lãnh đạo, thể loại ông có trách nhiệm viết nhiều nhất là chính luận. Vì cái “nghiệp” viết chính luận này mà vài lần ông được Thành ủy trưng dụng tham gia soạn dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, dự thảo diễn văn hoặc viết bài cho một số đồng chí Bí thư Thành ủy đọc hoặc gửi đăng ở các báo.
Nói Dương Linh là nhà báo, chưa đủ. Ngay từ năm tại chức, ông đã đam mê dịch thuật, thường dịch đăng báo những tin, bài in trên các báo tiếng Pháp của nước ngoài và dịch cả tiểu thuyết. Từ năm 1991, việc nghỉ hưu hầu như không làm thay đổi nếp sống, nếp làm việc, ông vẫn sung sức, vẫn viết, vẫn dịch. Trong vòng vài chục năm, ông được các NXB Kim Đồng, Thế giới, Hội Nhà văn, Văn hóa - Thông tin,… in gần 50 tiểu thuyết. Và ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 69. Khi Dương Linh nghỉ hưu, biết rõ một tài năng, Hội Nhà báo Hà Nội mời ông làm cộng tác viên về nghiệp vụ, tổ chức các cuộc tọa đàm, tham gia các hội đồng chấm giải báo chí. Ông lại có 13 năm (1992 - 2005) làm Trưởng ban Liên lạc Nhà báo cao tuổi Hà Nội, cùng anh em tích cực hoạt động, tạo dựng một phong trào sôi nổi, rộng khắp, gây được tiếng vang, được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Bằng khen. Ở nơi cư trú, ông cũng được bầu vào chi ủy nhiều khóa liền.
Nhà báo Dương Linh thương mến! Có ai ngờ ngay ngày đầu năm mới 2011, ông đã vội đi vào cõi hết cuộc đời văn bút ở tuổi 85 chỉ vì căn bệnh viêm phổi và suy hô hấp. Nhưng ông vẫn để lại trong chúng tôi hình ảnh đẹp: một ký giả có đủ hai chữ ĐỨC - TÀI!
Đêm 1 tháng 1 năm 2011
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.