(HNM) - Ngày 8-5-1960 là ngày hội của toàn dân, mọi người nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa II. Thời kỳ ấy, hai miền đất nước ta đang bị chia cắt, nhưng đã có 97,52% cử tri trên toàn miền Bắc đi bỏ phiếu. Tại cuộc bầu cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người trúng cử với số phiếu cao nhất.
(HNM) - Ngày 8-5-1960 là ngày hội của toàn dân, mọi người nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa II. Thời kỳ ấy, hai miền đất nước ta đang bị chia cắt, nhưng đã có 97,52% cử tri trên toàn miền Bắc đi bỏ phiếu. Tại cuộc bầu cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người trúng cử với số phiếu cao nhất.
Số đại biểu ứng cử Quốc hội khóa này là 455, trong đó có 395 đại biểu là nam giới, 60 là nữ giới, 69 thuộc các dân tộc ít người. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 362 đại biểu trúng cử, trong đó có 56 đại biểu thuộc các dân tộc ít người, 49 đại biểu nữ, 40 thanh niên có độ tuổi từ 21 đến 30 và 46 đại biểu là nông dân, 20 đại biểu là bộ đội, 65 đại biểu làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục, 2 đại biểu là tư sản dân tộc, 3 đại biểu là linh mục và 2 đại biểu là hòa thượng. Đây là đợt bầu cử Quốc hội có dấu ấn quan trọng. Ngay trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành mộtloạt công việc rất quan trọng. Đó là bầu ra Chủ tịch nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch nước làđồng chí Tôn Đức Thắng; Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội là đồng chí Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ là đồng chí Phạm Văn Đồng. Cũng ở kỳ họp thứ nhấtnày, Quốc hội còn bầu Hội đồng Quốc phòng, cử Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.
Đúng 8 giờ sáng hôm đó, cũng như mọi công dân nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện quyền công dân của mình. Ngườitới phòng bỏ phiếu của Tổ bầu cử 52, khu vực Trúc Bạch, thuộc Đơn vị bầu cử số 1 khu Ba Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bỏ phiếu thứ hai, sau cụ Thạc, người cao tuổi nhất. Sau khi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, Người đã ân cần hỏi thăm các cán bộ, nhân dân, biểu dương Ban tổ chức của khu vực bầu cử đã làm việc chu đáo, có trách nhiệm để cử tri đi bỏ phiếu đúng giờ quy định.
Tại địa điểm bầu cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng một cây bút chì có hai đầu xanh, đỏ - cây bút được tổ bầu cử dùng chung cho mọi cử tri để đánh dấu tên cho các đại biểu tham gia Quốc hội Khóa II. Sau ngần ấy năm kể từ năm 1960 đến nay, cây bút chì đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm, gìn giữ và bảo quản cẩn thận với số đăng ký 41/ĐM. Đây là loại bút chì được sản xuất ở Việt Nam, được dùng nhiều trong đợt bầu cử tại địa điểm bầu cử số 1, khu Ba Đình. Vì vậy, bút đã bị mòn, chiều dài chỉ còn 14,5 cm, hai màu sơn xanh - đỏ đã bị bong tróc đôi chỗ.
Hiện vật nhỏ và giản dị, nhưng là kỷ vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Mỗi lần triển lãm hoặc trưng bày lưu động, cây bút chì xanh đỏ bé nhỏ và tấm ảnh chụp hình Bác Hồ đang bỏ phiếu, cùng cử tri phường Trúc Bạch thực hiện quyền công dân, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa II, luôn chiếm được tình cảm của nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Đặc biệt, mỗi lần bầu cử Quốc hội, nhìn lại ảnh Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu cử, nhìn lại cây bút chì giản dị, Người đã từng dùng để khẳng định quyền hạn, nghĩa vụ công dân của mình, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú bầu vào Quốc hội nước nhà, mỗi chúng ta càng kính yêu Bác nhiều hơn, càng cố gắng làm người cử tri có trách nhiệm, xứng đáng là công dân của thời đại Hồ Chí Minh.
Lê Minh Độ
(Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.