Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu yếu, tải trọng tăng, trạm cân thiếu

Nguyễn Đức| 23/08/2011 07:25

(HNM) - Hệ thống hạ tầng giao thông nước ta hiện nay thiếu đồng bộ vì được đầu tư xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau, với tiêu chuẩn khác nhau. Một trong những sự thiếu đồng bộ điển hình là cầu và đường không đồng cấp, hoặc cầu xuống cấp nhưng chưa đầu tư làm mới.


Oằn lưng cõng những "hung thần"


Hằng ngày cầu Đuống phải chịu áp lực lớn từ các phương tiện lưu thông.  Ảnh: Hoàng Hà


Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống đường bộ nước ta rất đa dạng, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, theo nhiều hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, cấp kỹ thuật cũng khác nhau. Qua quá trình khai thác, hệ thống cầu, đường xuống cấp đáng kể, nhưng chi phí bảo trì, bảo dưỡng chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu. Phục vụ phát triển KT-XH, nhiều cảng biển, khu công nghiệp được xây dựng, nhu cầu vận tải nặng tăng mạnh gây sức ép lớn lên hệ thống giao thông vốn thiếu đồng bộ và đang xuống cấp. Sửa chữa, bảo dưỡng đường bộ đã gặp khó khăn, với những cây cầu tình hình càng trở nên bi đát. Ngay cả khi phương tiện chở đúng tải, các cây cầu không đồng cấp với đường đã phải "gồng mình", còn xe chở quá tải, thật sự đây là "hung thần". Trên thực tế, đã xảy ra không ít vụ sập cầu do xe quá tải cố tình qua cầu dù đã có biển báo. Tổng cục Đường bộ cho biết, hàng loạt cầu bị hư hỏng nặng, như cầu Đại Tân (QL18), cầu Đuống cũ, cầu Hạc, cầu Bố, cầu Yên, cầu Vũng Trắm (QL1); hoặc sập như cầu Tà Pao (QL55), cầu Khe Khoang (QL7)... do không chịu nổi áp lực tải trọng của phương tiện.

Thời gian qua, nhiều cầu yếu đã được cải tạo, xây mới; tuy nhiên, số lượng cầu yếu còn rất nhiều. Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) cho biết, trên các tuyến QL cả nước hiện có 196 cầu yếu trong diện ưu tiên đầu tư, trong đó 188 cầu thuộc diện ưu tiên 1, 88 cầu thuộc diện ưu tiên 2. Ngay tại Hà Nội hiện có 19 cầu yếu, trong đó không ít cầu nằm trên các tuyến QL. Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí vốn cho các dự án cầu yếu gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng cầu mới thay thế cầu yếu trên các tuyến QL giai đoạn 3. Theo đó, chỉ riêng 45 cầu thuộc nhóm ưu tiên 1 đã ngốn gần 1.560 tỷ đồng, dự kiến đến quý II-2012 mới có thể khởi công xây dựng. Với Hà Nội, tình hình còn khó khăn hơn, khi nhu cầu vốn phát triển hạ tầng rất lớn để giải bài toán ùn tắc giao thông.

Tải trọng phương tiện nâng lên, trạm cân chưa có

Trong khi hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, không đủ vốn duy tu, bảo dưỡng, cầu yếu chưa được thay thế, thì đầu năm nay Bộ GTVT lại ban hành Thông tư 03/2011/TT-BGTVT cho phép nâng tải trọng phương tiện. Không ít chuyên gia đường bộ cho biết, đây là điều khá bất ngờ, bởi các doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hạng nặng chỉ là một nhóm lợi ích nhỏ, nhưng là nhân tố chủ yếu khiến giao thông xuống cấp nhanh, gây khấu hao tài sản xã hội lớn. Chở đúng tải, hệ thống cầu đã "vặn vẹo", thế nhưng chở quá tải trọng đã thành chuyện thường trên các tuyến giao thông. Đó là lý do hàng loạt cây cầu được thiết kế với tuổi thọ khoảng 100 năm, nhưng khai thác được khoảng 20 năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Để bảo vệ hệ thống giao thông, nhiều nước tiên tiến đã lập hệ thống kiểm tra tải trọng (trạm cân). Số liệu khảo sát năm 2006 của Tổ chức Động lực đường bộ quốc tế cho thấy, châu Âu có 1.188 tuyến đường, châu Á có 1.700 tuyến, châu Phi có 88 tuyến, Bắc Mỹ có 3.864 tuyến, Nam Mỹ có 1.208 tuyến, Trung Đông có 56 tuyến, Australia có 120 tuyến phải lập trạm cân. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 455/TTg thành lập 27 trạm cân và đã ngăn chặn hiệu quả vi phạm về quy định tải trọng. Tỷ lệ xe chở quá tải trên đường bộ giảm từ 19,13% năm 1995, xuống còn 0,17% năm 2003.

Tuy nhiên, do một số hạn chế về kỹ thuật, đặt ở một chiều đường gây xung đột, ùn tắc giao thông, nảy sinh tiêu cực, nên năm 2003 Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) ra lệnh tạm dừng hoạt động các trạm cân. Năm 2009 - 2010, hai trạm cân thí điểm được tổ chức tại QL18 (Quảng Ninh) và QL1 Dầu Giây (Đồng Nai). Mới đây, Tổng cục Đường bộ đã tổng kết và đánh giá, dù còn hạn chế nhất định nhưng các dự án thí điểm hiện đại hóa tại 2 trạm cân đã đạt mục tiêu đặt ra cả về mặt kỹ thuật cũng như quy chế phối hợp. Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng các trạm cân theo đề án tổng thể quản lý tải trọng xe Bộ GTVT đã trình Chính phủ để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ phương tiện chở quá tải. Đây được xem là biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo vệ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông khi vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế. Tuy nhiên, tải trọng nâng lên, trạm cân chưa có, cầu yếu chưa sửa… là những vấn đề cần sớm khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu yếu, tải trọng tăng, trạm cân thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.