Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu Xuân Cẩm bao giờ hết "cụt"?

Hà - Chi| 22/04/2023 16:56

(HNMO) - Cầu Xuân Cẩm nối tỉnh Bắc Giang với huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội hoàn thành từ năm 2020, mở ra mối giao thương lớn giữa hai địa phương. Tuy nhiên, do tuyến đường nối từ đầu cầu Xuân Cẩm (phía huyện Sóc Sơn) đến nút giao thông Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên chưa được xây dựng nên cầu trở thành “cầu cụt”. Người dân rất mong Dự án xây dựng đường kết nối cầu Xuân Cẩm sớm được hoàn thành để bảo đảm kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Do chưa có đường nối phía huyện Sóc Sơn, nên cầu Xuân Cẩm trở thành “cầu cụt”.

Dự án xây dựng cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) có tổng chiều dài 479,5m, bề rộng mặt cắt ngang cầu 12m, tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ đồng, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang. Dự án được triển khai từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020 (phía tỉnh Bắc Giang). Riêng đoạn đường từ đầu cầu Xuân Cẩm (địa phận huyện Sóc Sơn) đến nút giao thông Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên chưa thể triển khai, nên cầu Xuân Cẩm vẫn chưa thể thông tuyến.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Nghi cho biết: Khi Dự án xây dựng cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) được triển khai, người dân hai xã Tân Hưng và Bắc Phú mừng lắm. Thế nhưng, do đường nối lên cầu chưa hoàn thành nên người dân muốn sang tỉnh Bắc Giang vẫn phải đi phà ngang sông, rất vất vả, không an toàn.

Thực tế được phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận tại cầu Xuân Cẩm cho thấy, cầu đã hoàn thành tất cả hạng mục (cầu, đường nối lên cầu phía tỉnh Bắc Giang...). Còn phía huyện Sóc Sơn, do tuyến đường nối chưa được xây dựng nên cầu thành “cầu cụt”; ngay phía đầu cầu chỉ là mô đất. Để bảo đảm an toàn giao thông, chủ đầu tư xây dựng cầu Xuân Cẩm đã phải dựng hàng rào tôn nhằm ngăn không cho người và phương tiện đi lên cầu.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do dự án này không có tên trong danh mục dự án được xác định tại Kế hoạch đầu tư công 2021-2025 được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021. Đặc biệt, tuyến đường không nằm trong quy hoạch giao thông của thành phố Hà Nội. Tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Sóc Sơn xem xét, đề xuất bổ sung dự án vào Kế hoạch đầu tư công 2021-2025 trong quá trình điều chỉnh bổ sung (nếu có).

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 2-6-2022, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định số 5324/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao thông Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án có tổng chiều dài khoảng 4,2km theo quy mô đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 195 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Tuyên, sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã triển khai các bước theo quy định. Đến nay, đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thi công xây dựng, đơn vị tư vấn giám sát và đang thực hiện giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tuyên, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là 92.862,1m2 thuộc hai xã Tân Hưng và Bắc Phú. Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng 41 thửa đất của 41 hộ, tương đương 15.779,7m2; 41 hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Diện tích chưa được phê duyệt phương án là 77.082,4m2. Hiện, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và UBND hai xã Tân Hưng, Bắc Phú đẩy nhanh việc kiểm đếm, rà soát hồ sơ để xét duyệt nguồn gốc đất, tài sản trên đất... Phấn đấu đến hết tháng 6-2023, huyện sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Dự kiến, đến quý I-2024, sẽ thông xe toàn tuyến; quý II-2024 sẽ đưa công trình vào sử dụng.

Với tiến độ đang được đẩy nhanh, hy vọng dự án sớm hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân tỉnh Bắc Giang và thành phố Hà Nội, thúc đẩy kinh tế - xã hội hai địa phương ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Xuân Cẩm bao giờ hết "cụt"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.