(HNMO) - Tối nay (18/5), chương trình Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” - chương trình lớn nhất trong xê-ri các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015) đã được truyền hình trực tiếp vào trên kênh VTV1.
Chương trình được truyền hình trực tiếp từ 3 điểm cầu: lăng Bác (Hà Nội), làng Hoàng Trù (Nghệ An) và tòa nhà Bitexco (TP HCM), lấy tâm điểm là hoài bão lớn về độc lập của Hồ Chí Minh. Chương trình được xây dựng như một “bản giao hưởng” 3 chương gắn kết với nhau chặt chẽ bằng một mạch chuyện vừa cảm xúc vừa hào hùng.
Nhà báo, MC Diễm Quỳnh phỏng vấn nhân chứng lịch sử ở nước ngoài |
Đặc biệt, góp phần đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào là những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh được phối khí theo âm hưởng của chương trình được thể hiện bởi những nghệ sĩ tên tuổi: NSND Thu Hiền, Quang Lý, Lan Anh, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Phạm Thu Hà, Vũ Thắng Lợi,...
Bức thư Bác Hồ viết cho cụ Phan Chu Trinh từ khách sạn Drayton Court. |
Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, bằng ý chí quật cường, Nguyễn Tất Thành – khi ấy mới 21 tuổi - đã bôn ba khắp thế giới suốt 30 năm để tìm con đường đi cho cả dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ đói nghèo, và sau này lãnh đạo Đảng và toàn dân vượt qua hai cuộc kháng chiến để giành và bảo vệ nền độc lập tự do. Sau khi hòa bình lập lại, Hồ Chí Minh lại ước mong "xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn to đẹp hơn”.
Ca sĩ Nguyên Thảo hát tại điểm cầu tòa nhà Bitexco (TP HCM). |
Trong Chương I của chương trình, Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” đã làm rõ giai đoạn 30 năm Hồ Chí Minh bôn ba ở hải ngoại để kiếm tìm con đường đi cho dân tộc và đặc biệt khắc họa một giai đoạn vô cùng quan trọng nhưng ít được nhắc tới trong hành trình tìm đường cứu nước của Người: nước Anh. Ở đây, dưới tầng hầm tối tăm, mùa đông thì buốt giá, mùa hè thì nóng như nung, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với những tư tưởng dân chủ và đúc rút những trải nghiệm của mình trên hành trình tìm hiểu nền văn minh phương Tây.
NSƯT Quang Lý hát cùng dàn nhạc giao hưởng. |
Hoài bão hòa bình thống nhất của Hồ Chí Minh được chuyển tới khán giả trong chương II với hồi tưởng của các nhân chứng lịch sử về Người trong những tháng ngày gian khó: đất nước vừa hưởng niềm vui độc lập chưa lâu lại vội vã bước ngay vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền hòa bình non trẻ. Lại thêm 23 năm chiến đấu nữa (1946-1969) nhưng cho đến tận những ngày cuối cùng, Bác chưa được thấy non sông liền một dải...
Chương III của Cầu Truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” mang đến hình ảnh một Việt Nam mới với những con người nguyện viết tiếp những trang hoà bình, độc lập, phồn vinh mà Người hằng mong ước.
“Hoài bão Hồ Chí Minh” là một cách kể chuyện khác về cuộc đời Người từ quê mẹ ra đi, bôn ba rồi trở về, cùng dân tộc làm nên những trang sử chói lọi của thế kỷ 20.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.