Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu thị

Nữ Quỳnh| 11/09/2010 06:08

(HNM) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của 14 bộ liên quan đến doanh nghiệp. Theo đó, không bộ nào được đánh giá 9 điểm và còn nhiều khâu được xác nhận rất yếu.

Điểm cao nhất trong "bảng xếp hạng cầu thị" của VCCI là Bộ Công thương với 63,01% người được hỏi hài lòng (tương đương 6,67 điểm), tiếp theo là Bộ Kế hoạch - Đầu tư với 61,11% (6,5 điểm), Bộ Tài chính 58,9% (6,31 điểm)... Thấp nhất là Bộ Y tế với 23,6% (3,1 điểm). Về chỉ số "thi hành pháp luật", không bộ nào được xếp đến hạng trung bình. Được đánh giá cao nhất là Bộ Tài chính cũng chỉ có 4,94 điểm, sau đó là các Bộ Công thương, Kế hoạch - Đầu tư. Thấp nhất là các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Y tế, với điểm chỉ từ 3,75 trở xuống.

Thật ra, việc cơ quan quản lý (gồm cả bộ, ngành) còn có nhiều khiếm khuyết trong quản lý, nhiều người đã biết. Từ "một cửa" còn nhiều khóa, rồi chuyện đăng ký kinh doanh vẫn được cho là lắm thủ tục, nhiều nhiêu khê, lĩnh vực đất đai được xem là có nhiều vướng mắc nhất, rồi vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật, v.v…

Đợt "chấm điểm" các bộ lần này do chính các doanh nghiệp tham gia dựa trên 4 tiêu chí: minh bạch, thống nhất, ổn định, phù hợp. Các tiêu chí này được cộng đồng doanh nghiệp xem là gần gũi nhất với hoạt động của mình. Tức là chỉ những tiêu chí đánh giá tối thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng kết quả đã có tới hơn 30% số bộ trong phạm vi khảo sát bị "chấm điểm" dưới trung bình.

Rõ ràng điểm số công bố trên đây cho thấy chỉ số tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước đang ở mức thấp, điều này đồng nghĩa với những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là rất nhiều, mà theo phản ánh của doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất họ đang gặp phải là việc tiếp cận thông tin, chậm ban hành văn bản và sự chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, không công bằng ở các văn bản pháp quy, việc kiểm tra giám sát chưa hiệu quả…

Nhưng trên hết là "mức độ cầu thị" của các bộ là chưa cao. Trước một vấn đề, chẳng hạn như chuyện giá thuốc (Bộ Y tế), ùn tắc giao thông (Bộ GTVT), hay quy hoạch đô thị (Bộ Xây dựng)… mấy năm gần đây luôn có những chuyện khiến dư luận bàn tán, nhưng kết quả tiếp thu xem ra còn hạn chế, nếu không muốn nói là có khi "giậm chân tại chỗ". Ví như chuyện "lấy ý kiến trên mạng", sự thật là có những đề án sau khi công bố trên mạng đến lúc tổng kết chẳng nhận được ý kiến đóng góp nào. Nhưng tiếc là "không có ý kiến" ở đây đã được hiểu là "toàn dân đồng ý".

Chúng ta đang cố gắng để xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu như các cơ quan công quyền chưa có thái độ cầu thị, chưa biết đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên đúng vị trí, chưa biết lắng nghe phản ánh của nhân dân thì sẽ còn nhiều trở ngại.

Dĩ nhiên, kết quả bình chọn của VCCI chưa phải là sự xếp hạng các cơ quan của Chính phủ và chắc chắn nó không phải là căn cứ để các bộ cạnh tranh thứ bậc. Điều quan trọng là những thông tin này sẽ giúp cho các bộ biết mình đang đứng ở đâu, những chỉ số nào thấp và làm thế nào để cải thiện tình hình... Với người dân, doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn là cơ quan công quyền sẽ tiếp thu và điều chỉnh ra sao?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.