(HNM) - Ai từng đến khu tập thể A3, tổ 35 (nay là tổ 27) phường Nghĩa Tân, đều bị thu hút bởi mô hình
Kế hoạch của những người về hưu
Hơn chục năm trước, vào một ngày oi ả, các cán bộ hưu trí nhà A3 cùng ngồi trò chuyện, hóng mát dưới chân cầu thang khu tập thể. Nhìn khắp lượt chân cầu thang với diện tích 25m2, Đại tá Trương Văn Côn, nguyên cán bộ Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị), hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 35, nảy ra ý định biến khu vực này thành nơi sinh hoạt cộng đồng - nơi mọi người cùng đến đọc sách, báo, giao lưu, trò chuyện, tăng thêm tình đoàn kết. Đại tá Trương Văn Côn trình bày ý tưởng, phân tích cái lợi của mô hình mà ông hình dung trong đầu cho mọi người nghe. Ai cũng gật gù tâm đắc.
Bà con khu tập thể A3 đọc báo tại “Cầu thang văn hóa”. |
Ngay sau khi nhận được sự đồng tình của các thành viên trong tổ hưu trí, ông Côn một lần nữa mang ý tưởng của mình chia sẻ tại cuộc họp tổ dân phố. Khi nghe ông Côn trình bày về mô hình "Cầu thang văn hóa", những cánh tay nhất loạt giơ cao đồng ý. Ông Côn đề xuất: "Để duy trì hoạt động của mô hình này, các đồng chí đảng viên, các cán bộ hưu trí phải là những người đi đầu và cần kêu gọi bà con trong tổ tích cực ủng hộ".
Nghe thấy thế, ông Đoàn Trương (73 tuổi), sẵn nghề thợ mộc, đã xung phong đóng 4 bộ bàn ghế phục vụ bà con đến đọc sách báo. Cụ Hồ Quang Bảo nhận đảm trách công việc quản lý, trông coi "Cầu thang văn hóa". Bà con trong tổ mỗi người một tay lau dọn, sắp xếp lại khu vực cầu thang.
Đại tá Trương Văn Côn suy tính: "Hai yếu tố cần thiết cho việc xây dựng mô hình "Cầu thang văn hóa" là địa điểm, người quản lý đều đã có. Vấn đề còn lại cần giải quyết là kinh phí mua sách báo duy trì hoạt động. Chúng tôi quyết định kêu gọi sự ủng hộ của tất cả các hộ gia đình trong khu tập thể. Rất vui là ai trong tổ cũng đều nhiệt tình hưởng ứng và tích cực đóng góp". Chỉ trong vòng một tuần, "Cầu thang văn hóa" đã được hoàn thiện.
Tham gia sinh hoạt ở mô hình "Cầu thang văn hóa" của tổ 27, các thành viên trong tổ đều chấp hành nghiêm nội quy, bảo đảm mô hình này được duy trì ổn định và tạo ra hiệu quả cao. Tất cả các hộ gia đình nhà A3 luân phiên mỗi tuần đảm nhiệm việc quét dọn cầu thang sạch sẽ. Chẳng bao giờ có rác hay đồ đạc mang tính cá nhân nào đặt ở "Cầu thang văn hóa" của tổ. Mọi người đến đọc báo đều có ý thức giữ gìn để những người sau được đọc. Hằng ngày, có tổ phụ trách mua sách báo.
Đảm nhiệm vai trò quản lý "Cầu thang văn hóa" được 5 năm, cụ Bảo vì sức khỏe yếu nên đã xin nghỉ. Bà Bùi Thị Anh Tuấn (69 tuổi) nhận nhiệm vụ, tận tình với công việc quản lý. Bà cũng là người đến từng hộ gia đình để vận động ủng hộ tiền quỹ mua sách báo và lên nhà văn hóa phường xin các loại sách đặt trong tủ "Cầu thang văn hóa", kịp thời thông tin cho bà con về chủ trương, chính sách. Hằng ngày, bà cần mẫn xếp từng đầu báo ra bàn đọc phục vụ cho bà con trong tổ; cuối ngày, lại cẩn thận thu gom báo cũ, vuốt lại mép báo, lưu lại để cho những người chưa theo dõi. Báo đã quá cũ được dồn lại để bán lấy tiền sung quỹ. Một ngày, "Cầu thang văn hóa" có hàng chục lượt người đến đọc sách báo.
Đoàn kết, gắn bó nhờ... “Cầu thang văn hóa”
Kể từ khi xây dựng mô hình "Cầu thang văn hóa", đời sống tinh thần của bà con trong khu tập thể A3 nói riêng và tổ dân phố 27 đã có những thay đổi sâu sắc. Khác hẳn với quan niệm người thành phố "nhà ai biết nhà đấy", ở tổ dân phố 27 mọi người đều gần gũi, gắn bó với nhau nhờ mô hình "Cầu thang văn hóa".
Ông Trương Văn Côn nhớ lại: "Nhiều năm liền, đêm 30 Tết, bà con trong khu tập thể thường tập trung lại với nhau vui tất niên ở chính cái cầu thang này". Mọi người cùng nhau hát hò, tâm sự, chia sẻ với nhau những buồn vui của năm cũ và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vào năm mới. Nhờ vậy, những khúc mắc đều được giải tỏa, mọi người trở nên gắn bó hơn.
Khu sinh hoạt cộng đồng ra đời, ông Dương Văn Loan (61 tuổi) ngày nào cũng đến "Cầu thang văn hóa" đọc báo, phần để tăng thêm kiến thức, kịp thời nắm các thông tin, chủ trương của Đảng, phần để gặp mặt, trò chuyện với mọi người cho vui vẻ, thoải mái. Có thông tin gì hay, ông lại đọc thật to cho những người xung quanh cùng nghe. Họ cùng trao đổi, bàn luận, tăng thêm hiểu biết. Ông Loan bảo: Có "Cầu thang văn hóa", rảnh rỗi là tôi lại tìm đến đây đọc. Có những thứ mà xem ti vi, nghe đài không thú vị bằng đọc sách, báo.
Bà Bùi Thị Anh Tuấn thường tìm hiểu thông tin và ghi chép lại về cách chữa bệnh cho người già, bí quyết nấu món ngon… Buổi chiều, khi chị em trong tổ đến cầu thang chơi, bà lại chia sẻ với mọi người. Bà Tuấn bảo: "Đây cũng là nơi để chị em chúng tôi dốc bầu tâm sự. Chuyện công việc, gia đình, con cái... chúng tôi đều chia sẻ với nhau, người già truyền dạy cho người trẻ kinh nghiệm. Đôi khi chỉ đơn giản là cách nấu một món ăn thôi cũng giúp mọi người trở nên vui vẻ, thân thiết. Nhờ vậy, mọi người trong khu tập thể đều đoàn kết, hiểu và yêu quý nhau hơn".
Không chỉ người già, trẻ con ở tổ dân phố 27 cũng thường đến "Cầu thang văn hóa" để đọc sách báo thay vì chơi điện tử hoặc xem phim. Tiếp cận với những thông tin văn hóa lành mạnh, trẻ con ở đây cháu nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép và chăm chỉ.
Trong trí nhớ của ông Đoàn Trương, trước đây, khi chưa có "Cầu thang văn hóa", tổ 27 thường xuyên xảy ra mất cắp. Xe máy, xe đạp dựng ngoài cổng khu tập thể ít phút đã bị bọn trộm "cuỗm" mất. Có trường hợp chúng vào khu tập thể, thấy nhà nào sơ hở là lấy cắp. Nhiều xe máy, taxi ngang nhiên đỗ trước cửa khu tập thể. Thỉnh thoảng, bà con vẫn còn để rác dưới chân cầu thang gây mất mỹ quan. Tuy nhiên, từ ngày có "Cầu thang văn hóa", mọi người trong khu tập thể đều chờ khi có kẻng để đi đổ rác, ai cũng có ý thức giữ gìn khu cầu thang sạch sẽ. "Cầu thang văn hóa" lúc nào cũng có người ngồi đọc báo, kẻ gian không dám bén mảng đến khu tập thể, tình hình an ninh trật tự ở tổ dân phố 27 nhờ vậy tốt hơn rất nhiều.
Từ những thành công mà mô hình "Cầu thang văn hóa" khu tập thể A3 có được, hiện nay, phường Nghĩa Tân đã nhân rộng thêm hơn 20 "Cầu thang văn hóa", góp phần tạo nếp sống văn minh trong các khu tập thể trên địa bàn. Với việc xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình "Cầu thang văn hóa", năm 2013, tổ dân phố 35, phường Nghĩa Tân được BCH Đảng bộ TP Hà Nội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.