(HNM) - Trưa 16-12, sau khi dự đám cưới con người bạn cùng cơ quan, bà Thành chở một người bạn về xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm. Vừa đến gần nhà, thấy mấy đứa trẻ đang đùa nghịch trên cầu, bạn bà Thành xuống xe, quát to:
- Đi chỗ khác, không được chơi ở đó!
Với chút ngỡ ngàng, bà Thành hỏi:
- Chúng có làm gì đâu mà bà ầm ĩ lên thế?
- Cây cầu ọp ẹp quá, thấy các cháu tụ tập ở đây, sợ chúng bị ngã thì tôi nhắc thôi...
Nghe bạn nói vậy, bà Thành quan sát thấy cây cầu có chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m được lắp đặt khá sơ sài. Mặt cầu được gia cố bằng các thanh sắt, tấm tôn mỏng đã hoen gỉ, mỗi khi có xe đạp, xe máy đi qua, cây cầu rung lên bần bật.
- Cây cầu này thiết kế kiểu gì mà nguy hiểm thế?
- Trước đây có một cây cầu khác ở chỗ đó, thường gọi là cầu Đăm. Do cầu bị xuống cấp, người ta đã cho phá bỏ để xây dựng một cây cầu mới. Để phục vụ việc đi lại của người dân trong khi thi công, họ đã dựng tạm cây cầu này…
Nhìn cây cầu, bà Thành nghĩ: Đã đành là cầu tạm nhưng tạm không có nghĩa là thế nào cũng được, miễn là có. Ai lại vừa hẹp, vừa ọp ẹp thế này trong khi người và các phương tiện qua cầu khá đông, rất khó khăn và nguy hiểm. Hơn nữa, do mặt cầu làm bằng các thanh sắt, tôn rất trơn, nhất là khi trời mưa và vào buổi tối, người qua lại rất dễ bị ngã. Thật, cầu tạm kiểu này thì đúng là tạm… bợ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.