(HNM) - Lần đầu tiên một phụ nữ gốc Việt tại Hàn Quốc được Quỹ Xã hội của Quốc hội nước này trao “Giải thưởng về những thành tích trong hoạt động xã hội đa văn hóa”.
Người có vinh dự này là chị Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc, thành viên sáng lập “Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam". Chị như cầu nối, giúp nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người và góp phần quảng bá văn hóa Việt tại xứ Kim chi.
Chị Lê Thị Anh Thư (ngoài cùng bên trái) trong lễ trao giải của Quỹ Xã hội của Quốc hội Hàn Quốc. |
Vượt qua rào cản
Gặp chị Anh Thư trên tàu KN 490 khi tham gia Đoàn công tác số 6 của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tới thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyện lấy chồng là người Hàn Quốc đang công tác tại Việt Nam ban đầu gặp không ít rào cản, nhất là khi gia đình chị phản đối gay gắt. Thế nhưng sau nhiều năm thuyết phục, bố mẹ chị cũng đồng ý với điều kiện con rể phải định cư tại Việt Nam. Kết hôn được chừng một năm, vào năm 1996, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tại Hàn Quốc, nhà máy của chồng buộc phải đóng cửa. “Cực chẳng đã, mình đành khăn gói theo chồng sang Hàn Quốc, chờ công ty hoạt động trở lại rồi cả gia đình quay về Việt Nam. Nhưng chờ mãi, chờ mãi,... rồi thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc lúc nào không biết và kế hoạch hồi hương đã gác lại”, chị cho biết.
Thời đó phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chưa nhiều. Để quen với cuộc sống đất nước sở tại thực sự khó khăn do rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa. Chị Anh Thư nhớ lại: “Ngày đó không có các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa, dạy tiếng Hàn Quốc như hiện nay. Vì thế, mình phải tự mày mò tìm tài liệu tự học tiếng. Khi bước qua rào cản ngôn ngữ, mình thấy gần gũi với mọi người hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm cộng tác viên cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động hỗ trợ người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng. Mỗi khi tư vấn cho các chị em người Việt Nam lấy chồng và định cư tại Hàn Quốc, ngoài kiến thức sách vở mình thường vận dụng kinh nghiệm thực tế để chia sẻ với các chị em”.
Đóng góp cho cộng đồng
Là người đi đầu trong các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, chị Anh Thư cho biết, việc quảng bá văn hóa Việt Nam là con đường gần nhất để người dân Hàn Quốc hiểu hơn về con người Việt Nam. Đây là mục tiêu trong kế hoạch hoạt động của Hội Người Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc. Vì thế, cùng với tổ chức lễ hội văn hóa, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc…, các hội, đoàn thể người Việt Nam ở Hàn Quốc luôn được khuyến khích khách tham dự, mặc trang phục truyền thống. “Tôi cùng các hội viên luôn cố gắng tham gia các sự kiện văn hóa do các cơ quan, tổ chức Hàn Quốc chủ trì. Thông qua những gian hàng ẩm thực, gian hàng trưng bày giới thiệu văn hóa, trình diễn thời trang áo dài… để quảng bá văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn. Cũng nhờ đó, phong trào mặc áo dài trong cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc ngày càng được lan tỏa…” - chị Anh Thư cho biết.
Với những đóng góp không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, chị còn tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại đây. Chia sẻ niềm vinh dự khi được nhận giải thưởng cao quý của Quỹ Xã hội Quốc hội Hàn Quốc, chị Anh Thư cho biết: “Đây là lần thứ ba tôi được nhận các giải thưởng khác nhau của Quốc hội và các tổ chức xã hội của Hàn Quốc. Tôi cảm thấy vinh dự khi là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng vì những đóng góp cho các hoạt động đa văn hóa. Món quà tinh thần vô giá này sẽ là động lực để tôi cố gắng tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều người Việt Nam tại Hàn Quốc được nhận những giải thưởng cao quý này”.
Sau chuyến thăm Trường Sa, chị Anh Thư cho biết, tự thấy cần phải đóng góp nhiều hơn trong việc kêu gọi dư luận Hàn Quốc ủng hộ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chị hào hứng với “kế hoạch tuyên truyền” của mình: “Ngay sau khi trở về từ Trường Sa, dù gặp ai, người Việt Nam hay người Hàn Quốc, tôi đều đem những trải nghiệm thực tế và kiến thức về Trường Sa để kể cho họ nghe. Tôi cảm thấy vui vì nhiều người Hàn Quốc cho biết sẵn sàng ủng hộ các hoạt động vì chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.