Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cầu nối” đưa khoa học, kỹ thuật đến với nông dân

Quỳnh Dung| 06/04/2023 09:56

(HNMO) - Trong 30 năm đồng hành cùng nhà nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.

Hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp

Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã làm tốt sứ mệnh là người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông, là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, 30 năm qua, các chương trình khuyến nông đã ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày của người nông dân, từ kiến thức tập huấn về khoa học, kỹ thuật đến hỗ trợ các mô hình trình diễn, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Ngoài hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, cây con giống, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn hỗ trợ cho nông dân vốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ đó, xã Văn Đức đã hình thành được vùng chuyên canh rau an toàn, chăn nuôi lợn, bò rất phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Vùng rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm) phát huy hiệu quả từ hỗ trợ của khuyến nông.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là chương trình cơ giới hóa đồng ruộng. Vào những năm 2000, nông dân chưa biết đến máy cấy, máy gặt, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt hơn 95%...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, các mô hình khuyến nông đã tác động chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều mô hình đạt giá trị sản phẩm khoảng 80-100 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt, có những mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, như mô hình hoa, rau chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, nuôi trồng thủy sản…

Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ mô hình nuôi trồng thủy sản ở Ba Vì.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Điển hình như mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa…

Tiếp tục là “người bạn” đồng hành của nhà nông

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát, cùng với đó là các yếu tố bất thuận, như: Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và tác động của đại dịch Covid-19… đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác khuyến nông giai đoạn hiện nay. 

Để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Mặt khác, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn với hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết.

Ngoài ra, Trung tâm đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, nhất là đối với sản xuất lúa, rau quả và chăn nuôi. Nhân rộng mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay không người lái; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả, mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính. Xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch…

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, thực tế phát triển của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển của khoa học, công nghệ đòi hỏi lĩnh vực khuyến nông phải có những đổi mới mạnh mẽ về hoạt động. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tiếp tục xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả thực tế cao, khẳng định rõ hơn vai trò của hệ thống khuyến nông các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Thủ đô, tăng thu nhập cho nông dân.

Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, hệ thống khuyến nông cả nước cần phải chuyển đổi để tiếp cận tư duy này, nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ khuyến nông đa giá trị, đa mục tiêu. Trước đây, khuyến nông chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần, thì bây giờ, với hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng, sẽ đưa nhiều lực lượng khác tham gia vào công việc của khuyến nông, như: Các hội đoàn thể, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cầu nối” đưa khoa học, kỹ thuật đến với nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.