(HNM) - Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước, Cuộc vận động (CVĐ)
Mỗi năm, có hàng trăm nghìn lượt kiều bào sau khi về thăm đất nước trở lại sinh sống, học tập tại nước ngoài thường mang theo một lượng hàng hóa không nhỏ để dùng và làm quà giới thiệu hàng hóa của Việt Nam. Hơn ai hết, kiều bào là người hiểu rõ nhất thị trường mình đang sinh sống cần gì, làm cách nào để người bản xứ dễ chấp nhận… để chỉ dẫn cho các doanh nghiệp (DN) trong nước đường hướng tiếp cận kinh doanh hiệu quả nhất.
Bà con Việt kiều tham quan làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền |
Với sự vận động và hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước, nhiều DN của kiều bào tại nước ngoài đã hưởng ứng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam như nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, giày da, gạo, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ… phục vụ nhu cầu tiêu dùng cộng đồng cũng như tại thị trường sở tại. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nhân, DN Việt Nam ở nước ngoài cũng rất tích cực hoạt động thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, tổ chức nhiều diễn đàn DN trong khu vực và ở từng nước như Áo, Bulgaria, Rumania, Hungaria, Italia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện, các mặt hàng này đang được tiêu thụ tại hơn 20 trung tâm thương mại ở các tiểu bang của Hoa Kỳ, các trung tâm thương mại của người Việt ở các nước Châu Âu và Australia… Thống kê cho thấy, ước tính giá trị hàng Việt Nam được người Việt định cư ở nước ngoài tiêu thụ mấy năm gần đây tăng lên đến gần 100 triệu USD/năm. Hàng xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng đạt hơn 10 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), kết quả trên còn nhỏ so với tiềm lực xuất khẩu của nước ta, cũng như sức mua của cộng đồng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, mỗi khi về Việt Nam, hầu hết kiều bào đều tìm mua hàng Việt để sử dụng. Đơn cử tại Đức hiện có khoảng 125.000 người Việt đang sống, nhu cầu tiêu dùng hàng Việt rất lớn. Điều đặc biệt là không riêng gì người Việt dùng hàng Việt, mà cả người Đức, người nước ngoài và nhất là người Châu Á đang sống ở Đức cũng có nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm, trái cây, hàng dệt may và một số hàng tiêu dùng của Việt Nam. Với mục tiêu chiếm lĩnh niềm tin của người Việt xa xứ, trong những lần xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm tại thị trường nước ngoài, hàng Việt Nam đã dần tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng nơi đây và thường được đánh giá cao vì giá rẻ, chủng loại phong phú, chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, với vai trò là cầu nối của các hội doanh nhân, DN người Việt cũng được phát huy tối đa nhằm nắm thông tin tại thị trường nước sở tại. Lực lượng DN này đã được tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh hàng hóa như hỗ trợ tìm đầu mối cung cấp hàng hóa trong nước, vận động thành lập các hội doanh nhân Việt kiều để tạo mạng lưới liên kết kinh doanh, góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ những giải pháp trên, hàng Việt Nam đã, đang hiện diện nhiều hơn tại các quốc gia trên thế giới. Người Việt Nam sống và làm việc tại nước ngoài không chỉ đóng vai trò là lực lượng tiêu thụ mà còn là cầu nối cho hàng Việt Nam vào các nước sở tại. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như nông, lâm, thủy sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… ngày càng gia tăng, trong đó nhiều mặt hàng đứng thứ nhất, thứ hai thế giới là nhờ vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng này.
Để CVĐ được triển khai sâu rộng, lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nhân kiều bào cần được coi là lực lượng nòng cốt và là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới. Mục đích hướng tới không chỉ là kêu gọi lòng yêu nước của bà con để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, mà còn nhằm phát huy cao vai trò, khả năng của cộng đồng doanh nhân, chuyên gia, trí thức thành đạt tại các thị trường quan trọng như Mỹ, EU… nhằm thiết lập các kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Hiện nay, nhiều DN Việt đã ý thức được vai trò, trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước và nhận biết được tiềm năng từ kiều bào, do đó đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nhiều DN đã chủ động rà soát lại quy trình sản xuất, phương thức kinh doanh, cơ cấu lại bộ máy theo hướng tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, kết hợp với việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, riêng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thì yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm phải rất được coi trọng. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tích cực xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình; chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển nguồn tài nguyên bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ người lao động, quy định về kiểm soát các chất nguy hiểm có trong sản phẩm. Đồng thời, phát triển kênh phân phối để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng Việt Nam tại nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.