(HNM) - Thời buổi công nghệ chiếm lĩnh cuộc sống, những tưởng tất thảy bản thảo của nhà văn đều sinh ra từ bàn phím. Nhưng không phải thế, vẫn có người viết chung thủy với cây bút và trang giấy, như thói quen khó bỏ từ lâu, rất lâu rồi…
Một góc có thực, thú vị dù đang hiếm dần trong đời sống làng văn, gợi mở nhiều vấn đề về sưu tầm, lưu giữ tài liệu cho dòng ký ức văn nghệ mai này.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. |
Hoài nhớ cây bút và trang giấy
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nổi tiếng với ba bộ tiểu thuyết là "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" nhưng ông cũng luôn được nhắc tới tại các diễn đàn văn nghệ với một chi tiết thú vị là hàng nghìn trang bản thảo của "ba bộ nổi tiếng" nói trên (và nhiều tác phẩm trước đó) hoàn toàn được viết tay.
Ngôi nhà nhỏ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nằm sâu trong con ngõ ở phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng). Ở đó có một căn phòng nhỏ ngổn ngang sách, thuốc uống và đặc biệt là những hộp bản thảo phủ bụi, nơi cất giữ những trang viết tạo nên bộ tiểu thuyết đồ sộ gây tiếng vang của ông. Cầm trên tay tập bản thảo viết tay đương nhiên khác hẳn cầm một cuốn sách, dù cùng nội dung. Một dấu gạch xóa, một dòng chữ nhỏ ghi bên lề cho ta hiểu tường tận và sâu sắc về sự chia sẻ của nhà văn, rằng "nghĩ, nghĩ về đêm, rồi có khi vùng dậy viết ra một chi tiết mới xuất hiện…".
Không riêng gì nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, còn nhiều người khác "cố thủ" với cách viết truyền thống. Họ thích viết tay và chỉ viết tay dù trước mặt là máy tính. Đó là các nhà văn Ngô Văn Phú, Bùi Bình Thi, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, nhà biên kịch Hà Sơn… Tập truyện ngắn mới nhất mang tên "Nhiệt đới gió mùa" của Lê Minh Khuê cũng bắt đầu từ bản thảo viết tay, sửa chữa xong xuôi mới nhờ đánh máy. Hà Sơn cũng vừa viết xong 1.000 trang kịch bản cho phim truyền hình "Gánh hàng hoa", tất nhiên là viết tay.
Thật ra, chuyện viết văn bằng giấy và bút đâu phải chuyện lạ. Lịch sử văn học nước ta, cho dù là mấy thập niên gần đây "hiện đại hẳn lên" thì vẫn là lịch sử của một nền văn học trước hết được viết bằng tay, trên giấy. Nhưng, cái thú vị, cái khác biệt là giữa thế kỷ XXI này, khi công nghệ len vào mọi lĩnh vực của đời sống thì vẫn có một bộ phận người viết trung thành với lối viết tay quen thuộc. Không phải viết một vài chục trang, mà là hàng nghìn trang…
Khó nói được rằng nhà văn viết thế nào hay hơn và nhà văn nên viết tay hay nên viết bằng máy. Vấn đề chỉ là sự chuyển động có tính thời đại này còn đang dùng dằng một cách thú vị trong địa giới văn nghệ. Hầu như những người luyến nhớ lối viết xa xưa này là các nhà văn thế hệ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Bạn văn kể rằng Bùi Bình Thi, Đỗ Chu viết đẹp lắm, các ông ấy đều ngại chuyển sang viết bằng máy tính. Cây bút nữ Lê Minh Khuê thì nói là bà không nghĩ được gì khi ngồi trước máy tính. Cũng có một số cây bút thích ứng được từ viết tay chuyển sang hoàn toàn viết máy, như nhà văn Ma Văn Kháng, nhưng nhớ lại thuở đầu theo đuổi công nghệ mà "cứ là ngơ ngẩn hết cả người" vì "có khi vừa viết xong thì tự nhiên nó biến mất nguyên cả trang".
Cái lối viết tay của một số ít nhà văn làm nên sự hấp dẫn bởi nó vừa hiếm vừa đối lập với đời sống văn chương "đậm đặc công nghệ" như hiện nay. Các nhà văn nhiều thế hệ đều có blog văn chương riêng, với những dòng tâm tư được đóng khung bằng font chữ và cỡ chữ. Nghề viết gắn liền với chiếc máy tính. Họ đi, mỏi chân là kê máy lên đầu gối mà viết. Thậm chí "công nghệ viết" còn là mẹ đẻ của một thứ văn học mới, mang tên "văn học mạng".
Rồi sẽ thành ký ức
Với ai đó, thói quen viết tay là biểu hiện của cái cũ, cái lạc hậu, nhưng trong dòng chảy có tính liên tục của lịch sử, của văn chương thì điều đó đáng được coi là di sản. Bản thảo viết tay rồi sẽ lùi vào dĩ vãng, giống như chiếc máy chữ mà nhà văn Lê Bầu và các bạn viết của ông một thời từng gắn bó, từng nháo nhác tìm mua kèm giấy than, ruy băng giờ đã là "đồ cổ". Nhưng khi ấy, chính vào lúc bản thảo viết tay không còn xuất hiện nữa, ta mới nhận ra giá trị của chúng. Không cần đi đâu xa, chỉ cần xem di bút trên nền giấy ố vàng, trên trang vở học trò còn hơi bom đạn của nhiều nhà văn mà nhà phê bình Ngô Thảo hiện đang lưu giữ tại Hà Nội cũng đủ cho ta cảm xúc. Nó dội thẳng vào trái tim mình, giúp ta hiểu nhà văn hơn, hiểu nghề văn hơn, hiểu đất nước hơn.
Đáng tiếc là công tác sưu tầm, lưu trữ tài liệu, hiện vật của ta trong lĩnh vực này vẫn chưa xứng với đòi hỏi thực tế. Theo đại diện của Bảo tàng Văn học Việt Nam, kinh phí sưu tầm chỉ mang tính tượng trưng, chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của các gia đình. Hiện nay, nhiều gia đình nhà văn cũng lập nhà lưu niệm riêng, vì vậy việc tìm kiếm bản thảo cũng khó hơn. Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết, ngoài một số bản thảo mà một viện lưu trữ tới xin thì nhiều bản thảo khác được viết bằng bút sắt, giấy rơm... cũng lưu lạc hoặc đã hư hỏng trong quá trình di chuyển và do thời tiết.
Xưa đã vậy, nay như một thói quen và cũng do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta (cả các nhà văn) hầu như chưa có ý thức rõ ràng hoặc không có đủ điều kiện để lưu giữ loại tài liệu này. Vì vậy, bản thảo viết tay vốn đã thưa dần, nay mai sẽ còn rơi rụng, mai một tiếp. Nếu không có chương trình sưu tầm, lưu giữ thì chỉ vài mươi năm nữa thôi, tất cả những gì của hôm nay chỉ còn là tiếc nuối.
Mà trong làng văn, có gì khác ngoài những bản thảo lưu nỗi suy tư ấy có thể làm tốt hơn vai trò dẫn dắt ký ức văn chương nước nhà…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.