Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện bà giáo già và 18 năm trồng người cho trẻ khuyết tật

Theo MINH SƠN (VIETNAM+)| 20/11/2015 09:33

Suốt 18 năm qua, tại ngôi trường Trung học Cơ sở An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội), người dân vẫn quen với cảnh ngày ngày có một bà giáo già cần mẫn mang sách vở đến lớp dạy các trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.

Chân dung bà giáo Hồ Hương Nam, người 18 năm cần mẫn 'trồng người' cho các em nhỏ khuyết tật.
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)



Vốn là người gốc Huế, năm 1954, bà Hồ Hương Nam theo chồng ra Hà Nội sinh sống và làm giáo viên tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Khi về hưu từ năm 1993, bà bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội và tiếp tục cống hiến cho nghề giáo với một lớp học đặc biệt, lớp học cho những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.

Ở cái tuổi 83, thật khó có thể tưởng tượng được, người phụ nữ nhỏ nhắn, bàn tay run run mỗi khi cầm nắm nhưng ánh mắt lại sáng ngời mỗi khi dạy dỗ những đứa trẻ. Đều đặn một tuần 6 buổi, bà Nam đến với lớp học đặc biệt của mình, vừa dạy dỗ vừa là nơi để sẻ chia đồng cảm giúp những trẻ em khuyết tật có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Lớp học của bà giáo Hồ Hương Nam gồm các em nhỏ bị khuyết tật dạng câm, điếc bẩm sinh, khuyết tật tứ chi hoặc trẻ bị bệnh đao. Khác với học sinh thường, những em học sinh khuyết tật được bà tận tình cầm tay, chỉ dẫn, uốn nắn từng chữ O, chữ A. Khi thì bà kiểm tra tính toán của một em nhỏ, lúc lại kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ cho một cậu học trò tuổi đã gần 30.


Bà Nam cầm tay, tận tình chỉ bảo cho những em nhỏ tập viết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)



Cứ thế suốt 2 tiếng đồng hồ, lớp học đặc biệt diễn ra trong tiếng nhạc dìu dặt, tiếng ú ớ, ngọng nghịu của học sinh, những ký hiệu và cả giọng nói trầm trầm xứ Huế của bà Nam. Vất vả nhất là lúc nhận học sinh mới, các em vẫn còn sợ sệt khi phải rời ra gia đình. Nhiều hôm có em khóc ngằn ngặt đòi về, bà lại phải dỗ dành, mua bánh kẹo cho ăn và tận tình chỉ bảo từng nét chữ, từng bài tập tính toán.

Đến nay lớp học đã đi vào nề nếp, mỗi khi có khách đến chơi, không cần bà Nam bảo, cả lớp đã cùng đứng dậy chào đồng thanh.

Chị Đỗ Kim Thúy (24 tuổi), một học sinh đã gắn bó với bà Nam 17 năm cho biết: “Bà Nam hiền lắm. Từ ngày học bà, em biết đọc, biết viết, biết giúp đỡ anh trai việc nhà. Em muốn học với bà đến khi nào bà lấy chồng mới thôi.”

Chị Thúy cũng là một trong những học sinh đặc biệt của bà Nam, bố mẹ mất sớm, phải sống với anh trai. Bị thiểu năng trí tuệ không được đi học như người thường nên ngay từ 7 tuổi chị đã gắn bó với bà Nam và coi bà như người mẹ thứ hai của mình.

Nhờ có bà Nam dạy dỗ đến nay, không chỉ chị Thúy mà những em nhỏ ở đây đã mạnh dạn và hòa nhập với cộng đồng hơn. Bất cứ ai nhìn vào cái cách bà chăm chút cho từng đứa trẻ trong lớp mới thấy được niềm hạnh phúc vô bờ bến trong công việc mà 18 năm qua bà âm thầm cống hiến.

Chia sẻ về những khó khăn đã trải qua, bà Nam tâm sự: Những ngày đầu mở lớp, bà kiên trì đến từng gia đình vận động cho con, em đến lớp. Nhiều gia đình không đồng ý thậm chí khi bà đã dạy học rồi còn đến đón con mình về. Bà vẫn cần mẫn dạy dỗ, và thành quả chính là sự tiến bộ của các em học sinh khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục. Từ đó, ngày càng có nhiều người gửi gắm con em mình theo học.

Năm 2014, một niềm vinh dự đã đến với bà giáo Hồ Hương Nam khi bà là một trong 10 công dân được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, rất nhiều tổ chức ban ngành, đoàn thể đã mang hoa đến chia vui cùng bà, đều chúc bà thành công với lớp học tình thương đặc biệt này.


Ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp học đặc biệt của bà Nam được rất nhiều tổ chức ban ngành đoàn thể ghé thăm và chia vui. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)



Khi nhắc tới tương lai của lớp học, bà giáo già lại thoáng buồn. Đôi bàn tay run run quệt vội giọt nước mắt, bà tâm sự rằng tuổi mình đã cao, nếu như có mệnh hệ gì thì không biết các cháu nhỏ sẽ ra sao. Mong muốn lớn nhất của bà Nam là sẽ có thêm nhiều lớp học dành cho trẻ khuyết tật được mở ở nơi khác để chúng đều được đến trường học chữ. Đồng thời bà cũng mong muốn các nhà hảo tâm hãy quan tâm, giúp đỡ các em nhỏ bị thiệt thòi nhiều hơn để các em có thể vượt qua được những mặc cảm để sống vui vẻ, hòa nhập.

“Còn sống ngày nào, tôi vẫn sẽ còn đến lớp để dạy dỗ chúng nên người. Việc dạy với tôi chưa bao giờ là đủ cả”. Nhà giáo Hồ Hương Nam chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện bà giáo già và 18 năm trồng người cho trẻ khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.