(HNM) - Báo Hànộimới nhiều lần phản ánh
Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát trái phép lại bùng phát, gây bức xúc dư luận. Ảnh: Duy Anh |
Tình trạng "cát tặc" lộng hành trên khúc sông Hồng đoạn tiếp giáp giữa huyện Phú Xuyên và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tiếp tục dấy lên những bức xúc cho người dân. Tại đây có 6 doanh nghiệp được tỉnh Hưng Yên cấp phép khai thác cát thuộc địa giới hành chính của mình. Hầu hết các doanh nghiệp này chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định về đăng ký kê khai thuế, bến bãi, phương tiện... Cũng tại đây, thời gian qua, đã xuất hiện hàng chục tàu, thuyền không số, không tên từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Nguyên... về khai thác cát trái phép. Ông Ngô Xuân Hóa, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên cho biết: Khúc sông chảy qua xã Thụy Phú nhỏ nên nước chảy xiết, cát đẹp chẳng thua kém cát vàng, lợi dụng sự vắng mặt của cơ quan chức năng, "cát tặc" lén lút khai thác trái phép. Theo ông Hóa, trước kia, "cát tặc" chỉ sử dụng vòi bơm hút cát từ dưới lòng sông lên tàu thuyền công suất nhỏ, nhưng thời gian gần đây họ đã chuyển sang dùng guồng xúc cát từ dưới lòng sông lên các tàu cuốc - có tải trọng hàng nghìn tấn. Đây là nguyên nhân chính làm thay đổi dòng chảy gây ra nhiều vụ sụt, sạt bờ bãi sông Hồng thời gian qua. Nghiêm trọng hơn, việc khai thác trái phép không chỉ gây mất an toàn kè Cát Bi, một trong những kè trọng điểm quốc gia mới được thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng mà còn đe dọa tính mạng 4.000 người dân huyện Phú Xuyên sinh sống dọc đê sông Hồng, nếu như đoạn đê này xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ.
Trước sự lộng hành của "cát tặc" và những sự bức xúc từ phía người dân, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông bất hợp pháp. Cùng với đó, có công văn đề nghị tỉnh Hưng Yên phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ngày 9-12, huyện Phú Xuyên đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm tìm ra giải pháp triệt để xử lý "cát tặc". Một giải pháp cấp bách được triển khai thực hiện là thanh lý các hợp đồng cho thuê đất là bãi chứa trái quy định ở ven sông hiện đang dùng để trung chuyển và kinh doanh cát không rõ nguồn gốc. Huyện cũng đề nghị thành phố có văn bản kiến nghị tỉnh Hưng Yên hủy bỏ các quyết định đã cấp phép cho cá nhân, tổ chức được khai thác tập kết cát trong khu vực kè Cát Bi để bảo đảm an toàn cho kè chống lũ quốc gia; đồng thời có chế tài xử lý phạt nặng cát lậu bởi với mức phạt 15 triệu đồng/tàu vi phạm hiện nay là quá thấp, không đủ sức răn đe. Cùng với lực lượng chức năng của thành phố, huyện Phú Xuyên đã phân công lực lượng tuần tra, bắt giữ, xử lý các vi phạm khai thác cát trái phép. Từ ngày 15-12-2012 đến nay, lực lượng chức năng của huyện Phú Xuyên đã xử lý 8 vụ với 22 đối tượng, thu giữ 15 tàu, 11 đầu máy nổ, 1 dàn băng chuyền và nhiều công cụ phương tiện để khai thác, hút cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính gần 90,5 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ liên quan đến khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa chấm dứt triệt để.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Phú Xuyên phân trần: Để bắt được "cát tặc" rất khó bởi chủ tàu, thuyền thường hút trộm cát về đêm và sáng sớm. Các hoạt động hút cát thường chớp nhoáng, không cố định về thời gian và địa điểm nên lực lượng chức năng phải lên phương án khá công phu mới bắt được. Khó khăn nữa là thiếu phương tiện, lực lượng mỏng, khi phát hiện "cát tặc", lực lượng chức năng tiếp cận khó khăn bởi chúng nhổ neo bỏ chạy về phía tỉnh Hưng Yên. Do đầu tư ít, lợi nhuận cao nên đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Nhiều đối tượng còn thuê xã hội "đen" đứng ra bảo kê chống lại lực lượng chức năng...
Thực tế hiện nay, không chỉ riêng người dân huyện Phú Xuyên sinh sống ở khu vực kè Cát Bi mất ăn mất ngủ vì đối tượng khai thác cát trái phép mà ngay cả người dân tỉnh Hưng Yên, địa phương cấp phép khai thác cát cũng mong từng ngày cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng này. Ngay trong cuộc họp bàn biện pháp xử lý "cát tặc" của huyện Phú Xuyên vừa qua, một số người dân thôn Chi Lăng, huyện Khoái Châu đã đến bày tỏ sự bất bình trước tình trạng khai thác cát cả ngày và đêm trên sông Hồng, gây sạt lở mất đất sản xuất của nhân dân. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội tích cực hơn nữa trong việc phối hợp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tận gốc tình trạng khai thác cát trên sông Hồng, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng chỉ thị thay thế Chỉ thị 29/2008/CT-TTg về "Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông". Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chỉ thị mới phù hợp với tình hình thực tế và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2014.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.