(HNM) - Hai ngày qua, đi từ Hà Đông hay Gia Lâm về trung tâm Thủ đô, ở đâu cũng thấy người dân xôn xao bàn tán chuyện cúp điện. Cùng với thông tin dự báo thời tiết tiếp tục nắng, nóng khắc nghiệt thêm vài ngày nữa, thì việc ngành điện cảnh báo sẽ tiếp tục
Cái sự cắt điện hiện nay không chỉ là chuyện ở các thành phố lớn mà cuộc sống của hàng triệu người dân khắp cả nước đang thực sự bị xáo trộn vì tình trạng cắt điện liên miên. Một số vùng nông thôn thậm chí còn bị cắt từ 7h sáng đến 10-11h đêm, cả 7 ngày trong tuần. Ngay ở Thủ đô, ngành nước sạch "tố khổ" rằng chỉ trong 45 ngày gần đây, các nhà máy của họ bị cắt điện 88 lần, trong đó có tới 76 lần không được báo trước.
Vẫn biết cắt điện là điều khó tránh khỏi khi nguồn điện của ta còn đang thiếu và theo như giải thích của ngành chủ quản thì do "điện là loại hàng hóa đặc biệt, không giống như hàng hóa bình thường có sẵn trong kho, muốn xuất khi nào là xuất, nên nhiều khi mong muốn cũng chỉ dừng lại ở mong muốn…". Nhưng cũng chính một vị lãnh đạo của ngành điện trả lời với báo chí rằng "cắt điện thiệt hại bao nhiêu thì EVN cũng không thể đưa ra câu trả lời được".
Chuyện là ở chỗ đó. Một khi ngành nào cũng chỉ biết đến khó khăn của mình thì khó vẫn hoàn khó. Dĩ nhiên ngành điện sẽ chẳng muốn tính toán chuyện thiệt hơn với ngành giáo dục nếu mất điện buổi tối là lúc mà hàng triệu học sinh sẽ mất giờ ôn bài ở nhà, ngành điện cũng chẳng đến từng doanh nghiệp, từng nhà dân để tính toán xem ngừng sản xuất, trễ lao động, ảnh hưởng sức khỏe thì thiệt hại bao nhiêu cho xã hội; rồi khi mất điện, hàng trăm ngàn chiếc máy nổ phải thế chân thì môi trường ảnh hưởng như thế nào… Dĩ nhiên, ngành điện sẽ vẫn nói: "cần vận hành hệ thống điện theo tiêu chí giảm lỗ". Giảm lỗ cho ngành điện, nhưng lỗ nặng cho cả nền kinh tế - xã hội thì ai chịu?
Mới đây, Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, trong đó có quy định về đền bù trong trường hợp khách hàng bị thiệt hại vì cắt điện không báo trước. Nhưng dự thảo mới chỉ là dự thảo, việc cắt điện với ngành điện và với toàn xã hội vẫn là chuyện "cực chẳng đã", qua nhiều năm điều ấy vẫn xảy ra. Với từng cá nhân, từng đơn vị có sử dụng điện thì còn bị cúp điện còn khổ. Với toàn xã hội, một khi chưa kiểm soát được nguồn điện, sản lượng điện thì nguy cơ rã lưới, phải sa thải phụ tải tự động vẫn luôn rình rập và tất nhiên lúc ấy chuyện phải cắt điện đột ngột (không báo trước) sẽ lại xảy ra. Cái vòng luẩn quẩn ấy, dường như chưa thể giải quyết được… Vậy nên, sẽ còn khổ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.