(HNM) - Thời gian gần đây, có nhiều dư luận trái chiều xung quanh việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Có cần thiết đầu tư xây dựng một sân bay quá tốn kém như vậy hay không? Vốn vay ở đâu và trả nợ thế nào?
Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là đặc biệt cần thiết. Cơ sở hạ tầng là điều kiện cần để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, quanh chuyện đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Theo thông tin báo chí phản ánh, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không ủng hộ phương án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để cạnh tranh với các trạm trung chuyển hàng không hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, thay vì chỉ là sân bay vệ tinh gom khách cho họ. Đây là tham vọng đáng ghi nhận. Ngành giao thông vận tải đã tổ chức hai cuộc họp báo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về vấn đề này và ngay một chuyên gia giao thông vận tải lâu nay được xem có nhiều kinh nghiệm - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê - người được mời với tư cách phản biện dự án, cũng ủng hộ việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Điều đó cho thấy, việc xây dựng một sân bay đẳng cấp quốc tế là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang vươn lên trở thành "hổ, rồng Châu Á".
Việc phát triển hạ tầng là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra là lấy vốn từ đâu, trả nợ thế nào được dư luận đặc biệt quan tâm. Một dự án lớn, thu hút sự chú ý của dư luận và trong buổi đối thoại trực tuyến mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, phía Nhật Bản sẵn sàng cho vay ODA 2 tỷ USD để thực hiện dự án. Thế nhưng ngay sau đó, vị Thứ trưởng này cáo lỗi vì… nhầm. Chính phủ Nhật Bản chưa cam kết cụ thể số tiền cho vay và nguồn vay là từ nước khác; nghe nói đó là nguồn vốn vay thương mại chứ không phải vốn vay ưu đãi ODA. Cả một dự án lớn vậy mà lãnh đạo ngành chủ quản "nhớ nhớ, quên quên" khiến dư luận đã lo, lại càng lo: Nay mai, con cháu phải trả nợ thế nào?
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các cảng hàng không lâu nay là vấn đề khá nhạy cảm. Bởi lẽ, không ít sân bay được đầu tư xây dựng quy mô nhưng chưa khai thác được tối đa công suất. Cũng có không ít cảng hàng không được quy hoạch kỹ lưỡng ở một nơi, nhưng khi thực hiện lại ở nơi khác (có thể cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại) hoặc treo gần chục năm không triển khai như sân bay Gia Lâm… Tuy nhiên, một cảng hàng không lớn như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cần thiết phải được nghiên cứu, xây dựng phương án kỹ lưỡng để tránh tình trạng hiệu quả mang lại không giống như những ý tưởng đưa ra trong quá trình quy hoạch, lập dự án. Nghe nói, việc thẩm định, quyết định dự án sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định. Nhân dân chờ đợi vào quyết định sáng suốt của các dân biểu để con cháu bớt đi gánh nặng nợ nần. Trước đây, dự án xây dựng sân bay quốc tế Thanh Miện (Hải Dương) cũng đã được đem ra Quốc hội, nhưng sau đó… chìm vào quên lãng. Quy hoạch, xây dựng một sân bay tầm cỡ khu vực và quốc tế là cần thiết, nhưng đây không phải "đi tắt, đón đầu" mà là cạnh tranh trực tiếp với những sân bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Xây dựng sân bay cho máy bay cất cánh thì dễ, nhưng để cho cả nền kinh tế bay lên cần nghiên cứu kỹ lưỡng, ở nhiều góc độ, chứ không chỉ riêng góc độ giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.