(HNMO) - Chiều 7-4, Bệnh viện Bạch Mai thông báo, các bác sĩ tại đây đã phẫu thuật thành công khối u thành ngực “khủng” hiếm gặp, nặng tới hơn 3 kg cho nam bệnh nhân N.M.T (16 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh). Trên thế giới, một số trường hợp có khối u tương tự đã được báo cáo dưới dạng các ca lâm sàng. Tuy nhiên, không ca nào ghi nhận khối u kích thước lớn như trường hợp này.
Gia đình bệnh nhân cho biết, năm 2018, khi đang học lớp 6, bệnh nhân xuất hiện khối vùng thành ngực phải, kích thước khoảng 3x4 cm. Bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán dạng u mạch máu, nhưng không có chỉ định can thiệp được.
Hơn 4 năm theo dõi, khối u ngày càng phát triển, bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện nhưng không có phương pháp điều trị tối ưu. Sau hơn 2 năm dịch Covid-19 khiến bệnh nhân không đi khám lại được.
Đầu năm 2023, khối u ngực to nhanh, căng đau, gây ảnh hưởng sinh hoạt, học tập của T. Sau khi đi rất nhiều bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh, do e ngại khối u lớn phức tạp, T được giới thiệu ra Hà Nội và đến Bệnh viện Bạch Mai khám, điều trị.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch máu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ rất bất ngờ bởi khối u, chiếm trọn một bên ngực, ăn rộng, xâm lấn ra xương bả vai, chèn ép vào thành ngực. Đặc biệt, khối u tăng sinh mạch máu rất nhiều, để xử lý sẽ có nguy cơ chảy máu ồ ạt.
Hơn nữa, việc nhiều bệnh viện lớn cũng e ngại xử lý ca bệnh này khiến ê kíp bác sĩ cũng gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo, bằng mọi phương tiện, vật lực điều trị cho bệnh nhân.
“May mắn, kết quả sinh thiết khối u của bệnh nhân trước phẫu thuật là lành tính. Đây là động lực để chúng tôi quyết tâm tiến hành phẫu thuật”, bác sĩ Ngô Gia Khánh nói.
Để tránh biến chứng, ê kíp phải nút một số mạch máu trước phẫu thuật. Dù vậy, ca mổ diễn ra rất khó khăn, bệnh nhân được truyền 3 lít máu, hơn 2/3 lượng máu của cơ thể.
Chia sẻ thêm về ca bệnh này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với thể trạng bệnh nhân gầy, cơ thể chỉ khoảng 3-4 lít máu, nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải “thay máu” 100%. Nếu không phải là bệnh viện đa khoa, dự trữ được lượng máu lớn thì ca mổ này không dễ thực hiện.
Trọng lượng khối u được lấy ra khỏi ngực bệnh nhân khoảng 3,5 kg, kết quả giải phẫu bệnh là u mạch trong cơ. Nhìn lại y văn thế giới, trường hợp của bệnh nhân T là tổn thương hiếm gặp, chiếm 7/1.000 các bệnh lý của cơ thành ngực. Trên thế giới, một số trường hợp có khối u tương tự đã được báo cáo dưới dạng các ca lâm sàng, tuy nhiên, không ca nào ghi nhận khối u kích thước lớn như trường hợp này.
Chiều nay (7-4), T được xuất viện và trở về thành phố Hồ Chí Minh với gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.