Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp vốn cho sản xuất

Gia Khánh| 09/12/2022 06:31

(HNM) - Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Như vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 của hệ thống ngân hàng có thể ở mức tối đa 16% (chỉ tiêu đề ra đầu năm là 14%).

Việc nới chỉ tiêu tín dụng được đánh giá là kịp thời, giúp các tổ chức tín dụng có dư địa để cho vay, còn doanh nghiệp được tiếp thêm nguồn vốn cho kinh doanh cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thực tế, áp lực lãi suất, tỷ giá đã giảm bớt, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định hơn, trong khi thời điểm cuối năm nhu cầu vay vốn kinh doanh của người dân, doanh nghiệp rất lớn. Cùng với đó, áp lực tác động lạm phát trên thế giới cũng giảm dần (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến giảm mức độ tăng lãi suất), trong khi việc nới thêm chỉ tiêu tín dụng khoảng 1,5-2% cũng khó gây áp lực lớn đối với lạm phát trong nước (bình quân 11 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,02% và lạm phát cơ bản tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021). Hơn thế, số vốn ước tính tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ được hấp thụ nhanh khi nhiều dự án dở dang, hợp đồng xuất nhập khẩu đến hạn. Cùng với việc nới chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng trong mọi điều kiện, đồng nghĩa tác động tích cực đến nền kinh tế sẽ nhiều hơn tác động tiêu cực.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, diễn ra ngày 6-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động đúng mục tiêu; tập trung vốn cho 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; tăng cường giám sát, kiểm tra để vốn đi đúng hướng. Như vậy, dù hạn mức tín dụng được nới để đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, song các tổ chức tín dụng vẫn phải lưu ý yếu tố thanh khoản, các chỉ số bảo đảm an toàn hoạt động và đặc biệt là tránh tình trạng chạy đua lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải cân đối vốn phù hợp, cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát rủi ro, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường tiền tệ, lạm phát để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; có giải pháp kiểm soát dòng vốn tín dụng đi đúng mục tiêu là phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đi đôi với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu, tiết kiệm chi, nghiên cứu đề xuất tiếp tục giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022-2023 là những nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn, tăng tính lan tỏa và tạo ra động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp vốn cho sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.