(HNM) - Trong 5 năm (2007-2012), số vụ khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn Hà Nội không tăng, nhưng tính chất vụ việc phức tạp hơn. Có vụ đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không chấp nhận.
Ngày 8-11, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TƯ ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31-8-2007 của Thành ủy đã phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Số vụ không tăng, nhưng tăng tính phức tạp
Báo cáo của UBND TP do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh trình bày cho biết, tình hình KNTC của Hà Nội luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố trong đó có nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp và vượt cấp. Thời gian gần đây, số lượt công dân gửi đơn KNTC không tăng, song tính chất vụ việc có chiều hướng phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, GPMB ở những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Tây Hồ, Hà Đông, Từ Liêm, Thạch Thất… Đáng lưu ý, có vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không chấp nhận, cố tình khiếu kiện, nhất là các vụ khiếu nại liên quan đến GPMB thu hồi đất những dự án có thời gian triển khai kéo dài; tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân. Cá biệt có tình trạng lợi dụng quyền KNTC để xúi giục, kích động, thậm chí liên kết các đoàn KNTC, tạo sức ép với cơ quan của Đảng và Nhà nước, gây mất ANTT. Qua phân tích, chỉ có 9% khiếu nại đúng; 20% khiếu nại có đúng, có sai; 67% khiếu nại sai và 4% vụ việc khiếu nại được hòa giải thành công. Đối với các vụ tố cáo cũng chỉ có 15% tố cáo đúng; 46% tố cáo có đúng, có sai; còn lại 39% tố cáo sai.
GPMB là một trong những lĩnh vực có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua. Ảnh: Đàm Duy |
Để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, giai đoạn 2010-2015, TP Hà Nội chủ trương thu hồi gần 14.000ha đất. Theo Giám đốc CATP Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân khiến KNTC phức tạp trước hết do cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước thường xuyên có sự thay đổi, chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, tài chính, trật tự xây dựng, đô thị... còn lỏng lẻo. Trong khi trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ tiếp dân, giải quyết KNTC còn hạn chế, chưa kể một số vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Bên cạnh đó, một bộ phận công dân thiếu hiểu biết pháp luật, quá khích, lôi kéo, kích động, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà chưa có chế tài xử lý…
Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Bốn năm thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TƯ của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Thành ủy về "Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC" cho thấy, nơi nào xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, gắn giải quyết KNTC với cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tăng cường đối thoại với dân thì nơi đó ít xảy ra vụ việc phức tạp.
Quận Tây Hồ là ví dụ, trong 5 năm triển khai hàng trăm dự án, liên quan tới hàng nghìn hộ dân, song nhờ biết lắng nghe, kịp thời đề xuất giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ (3 cán bộ quận, phường) có hành vi tiêu cực… đã hạn chế các vụ việc KNTC. Quận đã hoàn thành GPMB các dự án; bồi thường, hỗ trợ gần 2.000 tỷ đồng, bố trí tái định cư cho gần 1.000 hộ gia đình mà không xảy ra KNTC phức tạp.
Cùng với Tây Hồ, nhiều quận, huyện, sở, ngành đề cao vai trò người đứng đầu cấp ủy; phân công cán bộ lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo giải quyết KNTC. TP Hà Nội đã chú ý rà soát, thống nhất các văn bản về giải quyết KNTC áp dụng chung; xây dựng mô hình Ban tiếp công dân của UBND TP, tăng cường chỉ đạo đưa công tác này đi vào nền nếp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh: Nếu như thời gian qua các cấp, các ngành nhất là người đứng đầu cấp ủy đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, thì tới đây cần nỗ lực hơn nữa. Bởi tính chất phức tạp của các vụ việc KNTC đòi hỏi các cấp ủy Đảng tăng trách nhiệm hơn, chấn chỉnh hoạt động tổ chức tiếp công dân, chú ý phân công cán bộ có "tâm" và "tầm". Mỗi cấp, ngành chú ý đổi mới công tác tiếp dân theo Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; gắn giải quyết KNTC với phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính; tăng cường đối thoại với công dân và giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền; khắc phục cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu các cấp ủy đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, GPMB, giải quyết KNTC đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước. Toàn TP phấn đấu từ nay đến cuối năm 2012 sẽ giải quyết xong cơ bản các vụ KNTC tồn đọng theo Nghị quyết của HĐND TP cũng như các vụ việc nổi cộm Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tích cực phối hợp nhằm bảo đảm ANTT trong giải quyết KNTC; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được phân công tiếp công dân và giải quyết KNTC; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Bởi thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC chính là tiền đề giữ gìn ANTT, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan hành chính của Hà Nội đã tiếp 399.972 lượt người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, xử lý 240.708 đơn. Toàn TP thụ lý theo thẩm quyền 18.913 vụ KNTC và giải quyết được 17.944 vụ, đạt 94%. Trong đó, KNTC về hành chính giải quyết xong 14.605/15.429 vụ; KNTC liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp giải quyết 3.339/3.484 vụ. HĐND TP đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về giải quyết các vụ KNTC tồn đọng để giám sát các cấp chính quyền thực hiện (đến nay đã giải quyết được 207/264 vụ KNTC tồn đọng). Qua đó kiến nghị, thu hồi cho nhà nước hơn 16 tỷ đồng; 211.189m2 đất, nhà; thu hồi 282 giấy chứng quyền sử dụng đất; trả lại cho người dân 87,7 tỷ đồng và 5.120m2 đất, nhà; kiến nghị xử lý kỷ luật 1.080 người (trong đó khiển trách 526 người, cảnh cáo 379 người, hạ bậc lương 14 người, cách chức 40 người, buộc thôi việc 6 người…); chuyển cơ quan điều tra 24 vụ việc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.