(HNMO) - Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) vừa tổ chức hội thảo về “Xây dựng Bộ Chỉ số Đô thị và Công tác quản lý Đô thị ở Việt Nam” vào ngày 7/11/2010, với mục tiêu chung là xây dựng một hệ thống dữ liệu để có thể quan sát, đánh giá các hoạt động của đô thị Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị trung bình và nhỏ, nhằm tiến tới xây dựng một xã hội phát triển, bình đẳng, không còn nghèo đói.
Hội thảo cũng gắn liền với sự kiện Ngày đô thị Việt Nam (8/11/2010) được tổ chức tại thành phố Ninh Bình với sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ 97 đô thị thành viên của ACVN, các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương (Tổng cục Thống kê, Bộ Xây dựng); các tổ chức quốc tế, các Hội nghề nghiệp và xã hội, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Hội thảo chuyên đề này là một trong những hoạt động của dự án “Xây dựng Hệ thống Quan trắc đô thị Việt Nam” mà ACVN đang thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của UN-HABITAT.
Hiện tại khu vực đô thị có hơn 700 thị trấn và thành phố, chiếm 30% tổng dân số cả nước, tuy nhiên không có bất kỳ một hệ thống quan trắc đô thị nào để kiểm tra cụ thể việc thực hiện các mục tiêu Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và Mục tiêu phát triển Việt Nam (VDG), và ảnh hưởng của hệ thống trong việc cải thiện quan hệ giới và xóa đói giảm nghèo, do đó dự án “Xây dựng Hệ thống Quan trắc đô thị Việt Nam” là rất cần thiết.
Mục tiêu cụ thể của dự án là nhằm xây dựng một Bộ Chỉ số Đô thị trên cơ sở rà soát và tổng hợp các bộ chỉ số có liên quan đến việc theo dõi sự phát triển của các đô thị Việt Nam, chẳng hạn như các chỉ số theo dõi thực hiện các MDG/ VDG tại khu vực đô thị; Các chỉ số thuộc Bộ Chỉ tiêu Quốc gia; các chỉ số liên quan đến phân loại và quản lý đô thị do Bộ Xây dựng đang theo dõi cũng như các bộ chỉ số đô thị theo chuẩn quốc tế khác.
Dự án cũng thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống quan trắc đô thị thí điểm đối với 97 đô thị cấp thành phố, thị xã tại Việt Nam là đô thị thành viên của ACVN để thu thập dữ liệu mới nhất về các đô thị này theo Bộ Chỉ số dự thảo với chi phí tối thiểu; Các dữ liệu thu thập được sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá sự phát triển tổng thể của các đô thị Việt Nam cũng như của mỗi đô thị riêng lẻ, đồng thời góp phần vào việc xây dựng các chính sách phát triển đô thị ở cấp quốc gia và công tác lập kế hoạch tại địa phương.
Sáng kiến về hệ thống quan trắc đô thị Việt Nam nếu thành công sẽ là cơ sở cho việc xây dựng một đề xuất thể chế hoá hệ thống quan trắc đô thị tại cấp quốc gia và địa phương với sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và Cục Phát triển đô thị (PTĐT), Bộ Xây dựng. UN-HABITAT sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các cán bộ trung ương và địa phương để thực hiện và duy trì sáng kiến này.
Hội thảo đã giới thiệu Dự thảo Bộ Chỉ số Đô thị Việt Nam, được chia thành các chủ đề, mỗi chủ đề có các chỉ số phản ánh đặc trưng của chủ đề đó và phù hợp với nội dung các Bộ chỉ số đã rà soát. Đó là một tập hợp các chỉ số về: lao động; nhà ở; nghèo đói đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa; an toàn; sử dụng đất; cao độ nền và thoát nước mưa; giao thông; cấp điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước bẩn – chất thải rắn – nghĩa trang; kinh tế; chính quyền đô thị; và sở hữu trí tuệ. Bộ chỉ số sử dụng có chọn lọc và tham khảo các bộ chỉ số trên thế giới cũng như các bộ chỉ số đã có ở Việt Nam; phù hợp với bối cảnh Việt Nam, phù hợp với hệ thống thống kê các ngành và các tỉnh tại Việt Nam; đồng thời phản ánh chính xác đặc trưng đô thị Việt Nam.
Theo bà Vũ Thị Vinh, Phó tổng thư ký của ACVN: “Bộ chỉ số rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý điều hành đô thị, là cơ sở dữ liệu quý của hệ thống đô thị Việt Nam. Kinh phí để xây dựng bộ chỉ số này không nhiều nhưng nó mang lại lợi ích to lớn và đây cũng là trách nhiệm của các đô thị”.
“Nằm trong bối cảnh quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành Thống kê Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2011 – 2020, dự thảo Bộ Chỉ số Đô thị Việt Nam và sáng kiến Hệ thống quan trắc đô thị tại Việt Nam hy vọng sẽ góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc lập các báo cáo phân tích phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách. Bản thân các đô thị Việt Nam cũng có cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng một Báo cáo hiện trạng các đô thị Việt Nam, và được kế thừa các kinh nghiệm mà UN-HABITAT đã có trên phạm vi khu vực và toàn cầu” bà Lê Thị Mai Hương, Quản lý Dự án của UN-HABITAT cho biết.
Cùng với các ý kiến góp ý của chuyên gia và các cơ quan có liên quan, kinh nghiệm và những bài học thu thập số liệu ở ba thành phố thí điểm Việt Trì, Phủ Lý, Hải Dương cũng được chia sẻ và thảo luận tại hội thảo nhằm giúp hoàn thành bộ chỉ số tiêu chuẩn để áp dụng cho 94 đô thị còn lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.