Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cặp tàu Gepard thứ ba của Việt Nam sẽ có TLPK tầm bắn 120km?

Theo Soha| 18/12/2015 22:44

Nếu lựa chọn cấu hình phòng không hạm đội, Việt Nam hoàn toàn có thể đề nghị phía Nga lắp đặt cho Gepard 3.9 hệ thống Redut với tên lửa 9M96E/E2 thay vì Shtil-1 mang đạn 9M317ME.


Gepard 3.9 Việt Nam sẽ mang... 20 quả tên lửa chống hạm?

Như đã từng đề cập ở bài trước, cấu hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard nâng cấp mang theo tên lửa chống hạm Uran-E/KCT 15 cùng với 12 đạn phòng không 9M317ME thuộc hệ thống Shtil-1 được đánh giá nhiều khả năng sẽ là lựa chọn cho cặp tàu thứ ba của Việt Nam.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 nâng cấp với hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1


Cấu hình trên mặc dù đã có khả năng lập ô phòng không cho hạm đội, nhưng tầm bắn 50 km của tên lửa 9M317ME vẫn bị cho là hơi ngắn. Để thực sự đảm nhiệm được vai trò lá chắn tin cậy, Gepard 3.9 cần được trang bị một hệ thống với tầm bao phủ lớn hơn.

Nếu Việt Nam thực sự có nhu cầu trang bị tên lửa phòng không tầm xa cho tàu hộ vệ 2.000 tấn, chúng ta có thể tham khảo hệ thống Redut lắp đặt trên khinh hạm Steregushchy Dự án 20381.

Trên các khinh hạm Steregushchy Dự án 20381 của Hải quân Nga, module hệ thống CIWS Kashtan đã được thay thế bằng cụm 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không 9M96.

Trải qua một quá trình thử nghiệm tương đối khó khăn, tổ hợp Redut đã chứng minh được là phù hợp với chiến hạm có lượng giãn nước chỉ 2.000 tấn.

Mặc dù ở biến thể xuất khẩu - Dự án 20382, Nga vẫn chào bán cấu hình mang Shtil-1 nhưng khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu lắp đặt hệ thống Redut mang đạn 9M96E và 9M96E2.

Tên lửa đánh chặn 9M96E (ngắn), 9M96E2 (dài) và tên lửa 48N6E2 (trong ống phóng)


Trong đó, 9M96E là biến thể tầm trung dành cho xuất khẩu của đạn 9M96 nội địa, tên lửa có tầm bắn 1 - 40 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 20 km; trọng lượng 333 kg; mang theo đầu đạn nặng 24 kg.

Còn 9M96E2 là phiên bản nối dài tầm bắn, tính năng tiệm cận với bản nội địa đang được Quân đội Nga sử dụng, tầm bắn của tên lửa nằm trong khoảng 1 - 120 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 30 km; trọng lượng 420 kg và đầu đạn vẫn là 24 kg như 9M96E.

Nhờ cơ chế dẫn đường radar chủ động mà xác xuất tiêu diệt bằng 1 đạn duy nhất đối với mục tiêu bay tàng hình có diện tích phản xạ radar thấp, với đặc tính vận động cao của tên lửa 9M96E/9M96E2 lên tới 90%.

Rõ ràng nếu được trang bị hệ thống Redut, năng lực phòng không của Gepard 3.9 sẽ cao hơn hẳn cấu hình mang Shtil-1, tạo lập được chiếc ô phòng không lớn và tin cậy hơn rất nhiều cho hạm đội.

Ngoài ra, do sử dụng 2 loại đạn đánh chặn khác biệt mà chiến hạm còn tùy chọn được đối với từng loại mục tiêu khác nhau để đảm bảo tính kinh tế.

Nhược điểm duy nhất nếu Gepard mang tên lửa 9M96E/E2 so với 9M317ME chỉ là nó không có thêm 12 "tên lửa đối hạm" trong trường hợp cần thiết mà thôi.

Tuy nhiên nếu xét tổng thể thì hệ thống Redut vẫn mang lại nhiều lợi ích cho Gepard 3.9 hơn là Shtil-1, nếu cặp tàu thứ ba của Việt Nam được xác định thiên về chức năng phòng không thì đây sẽ là lựa chọn tối ưu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cặp tàu Gepard thứ ba của Việt Nam sẽ có TLPK tầm bắn 120km?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.