(HNM) - Theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, ở khu vực ngoại thành, số hộ gia đình được dùng nước sạch còn khiêm tốn. Cụ thể, trong số 35,5% người dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, chỉ có 7,7% được dùng từ công trình cấp nước tập trung do thành phố đầu tư, còn lại là từ hệ thống cấp nước đô thị và các thiết bị lọc nước của mỗi hộ gia đình. Đáng nói, không phải do thành phố không quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch mà do sự quản lý, vận hành kém hiệu quả.
Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ cần sớm được đầu tư cải tạo. |
Theo thống kê của Sở NN& PTNT, những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 110 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, nhưng chỉ có 83 công trình hoạt động ổn định, 23 công trình không hoạt động, 4 công trình thành phố cho phép thanh lý thu hồi tài sản hoặc dừng đầu tư. Đáng buồn, nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng bị "đắp chiếu" trong khi dân "khát nước". Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, mới có 27% số dân trên địa bàn huyện được dùng nước sạch. Thời gian qua, thành phố đầu tư 35 tỷ đồng cho các dự án khai thác nước ngầm và cấp nước trên địa bàn huyện, nhưng đến nay hầu hết đều chưa hoàn thiện.
Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, trạm cấp nước thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên) sau khi xây dựng hoàn thành, chỉ vận hành 6 tháng thì dừng hoạt động do thu không đủ bù chi. Hiện trạm cấp nước này không cung cấp nước cho người dân mà chỉ cung cấp nước cho Trường Mầm non Võng Xuyên B với lưu lượng 500m3/ tháng. Còn người dân huyện Mỹ Đức rất bức xúc trước việc nhà máy cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa khởi công xây dựng với số tiền lên tới 40 tỷ đồng từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động do khi triển khai xây dựng công trình dự tính lấy nguồn nước từ sông Đáy, nhưng con sông này đang bị ô nhiễm nặng.
Còn theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT), ngoài các công trình xây dựng không hoạt động, những công trình đang hoạt động ổn định thì hiệu suất cung cấp cũng rất thấp, tỷ lệ thất thoát cao. Trung bình các trạm cấp nước chỉ đạt 75% so với công suất thiết kế, một số trạm hoạt động cầm chừng, theo mùa bởi nhu cầu dùng nước của người dân chưa cao (phải đóng phí) hoặc do các trạm chưa hoàn thành thi công mạng đường ống cung cấp cho người dân. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước trung bình 30% (nơi thấp nhất là 10%, cao nhất 70%) vì các công trình xây dựng từ lâu, hệ thống đường ống không được đầu tư, cải tạo...
Tháo gỡ vấn đề nước sạch, thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác cung cấp nước sạch, cùng với đó là thực hiện giải pháp đấu nối nước sạch sông Đà để cung cấp cho người dân. Mới đây, làm việc tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải rất quan tâm, chia sẻ với những khó khăn về nước sạch tại địa phương, đồng thời đã chỉ đạo UBND thành phố sớm triển khai đấu nối các trạm nước với đường ống nước sông Đà để kịp thời cung cấp nước sạch cho nhân dân trong huyện và vùng lân cận. Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch theo hướng tập trung sử dụng nước mặt không lấy nước ngầm. Nguồn cấp nước sạch cho thành phố tới đây sẽ bao gồm các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Hồng và sông Đuống. Ngoài việc đầu tư nguồn cấp nước quy mô các mặt sông, thành phố cũng đầu tư mua các cụm xử lý nước sạch tại chỗ để cấp cho các cụm dân cư khó khăn về nước sạch. Theo đó, mỗi cụm dự kiến phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho 60-120 hộ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai HĐND thành phố mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cung cấp nước sạch bởi đây là nhu cầu cấp thiết của mỗi người dân. Theo đó, dự án cấp nước sông Đà 2 sẽ được thành phố chỉ đạo triển khai theo mô hình xã hội hóa, với thiết kế vòng xoáy, dễ dàng hỗ trợ giữa các địa bàn khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang thí điểm triển khai các dự án nước sạch liên xã thuộc các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Sau thời gian triển khai thí điểm sẽ nghiệm thu, nếu các dự án này hiệu quả thì thành phố sẽ nhân rộng ra các huyện ngoại thành.
Cùng với giải pháp này, theo cử tri kiến nghị, trong lúc chờ các dự án triển khai thí điểm, thành phố cần tính toán đầu tư hoặc sớm kêu gọi xã hội hóa các trạm cấp nước đã đầu tư, đang đầu tư dở dang nhằm tránh thất thoát, lãng phí. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, thành phố cần cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đi đôi với đầu tư, thành phố cần kiểm tra hiệu quả sử dụng, hết sức tránh tình trạng, công trình xây dựng xong phải “đắp chiếu” trong khi người dân vẫn không được dùng nước sạch như đã từng xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.