(HNM) - Nghị quyết 25 HĐND khóa XIV (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) quy định chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của thành phố giai đoạn 2014-2020 giao cho các huyện trực tiếp thực hiện, từ khâu cung ứng giống, vật tư phân bón, phòng trừ dịch bệnh…
Còn cơ quan chuyên môn đảm nhiệm việc tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập. Để tháo gỡ vấn đề này, UBND thành phố đã rời thời hạn thực hiện nghị quyết đến hết năm 2014. Dẫu vậy, các địa phương vẫn hết sức băn khoăn, liệu việc chuyển giao này có thuận lợi khi đội ngũ chuyên môn cấp huyện khó có thể đảm nhiệm.
Người nông dân cần nhận sự hỗ trợ tích cực về khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng nông sản, phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Thái Hiền |
Mỹ Đức là một huyện thuần nông, sản xuất lúa và chăn nuôi là hai lĩnh vực chủ chốt. Đặc biệt, cây lúa vẫn là cây trồng chính của nông dân nơi đây. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua huyện Mỹ Đức tập trung đưa các giống lúa mới vào sản xuất. Riêng vụ xuân năm 2014, toàn huyện có 400ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Thị Kim Thúy cho biết, việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cần tuân thủ nghiêm quy trình. Cụ thể như thời gian gieo giống, kỹ thuật ủ giống, gieo, phòng trừ sâu bệnh. Hầu hết HTX tham gia mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao đều được cán bộ chuyên môn trung tâm phát triển cây trồng giám sát, hướng dẫn và cảnh báo sâu bệnh kịp thời. Theo Trưởng phòng Lê Thị Kim Thúy, nếu chuyển giao các đề án, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung cho các huyện sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Trước hết là nguồn nhân lực, Phòng Kinh tế huyện chỉ có một đến 2 cán bộ chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi… Để triển khai các mô hình như sản xuất cây ăn quả, lúa hàng hóa chất lượng hay rau an toàn, đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện không đủ sức đảm đương công việc. Cùng quan điểm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến cho rằng: Nếu nay chuyển giao cho cấp huyện triển khai sẽ gặp khó khăn về nhân lực cũng như chuyên môn.
Không chỉ các huyện Mỹ Đức, Hoài Đức, đại diện phòng kinh tế nhiều huyện cũng cho rằng, việc triển khai chính sách như vậy sẽ gây chồng chéo trong quản lý, khó kiểm soát được chất lượng sản xuất. Trong khi đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp huyện thiếu và yếu thì đội ngũ cán bộ chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp Hà Nội (khoảng hơn 1.000 người) lại không biết làm gì khi việc triển khai các mô hình chuyển về cấp huyện. Đây là bài toán cần được xem xét khi triển khai thực hiện, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Bí thư huyện Mỹ Đức cho rằng, nên để việc triển khai các đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho cơ quan chuyên môn thành phố triển khai bởi để chọn các giống lúa, giống vật nuôi tốt, huyện không có đủ cơ sở vật chất để kiểm tra chất lượng, lựa chọn giống cây, con tốt. Nếu thực hiện mỗi mô hình, xã làm một phần, huyện làm một phần, thành phố làm một phần thì không thể đồng nhất, khó quy trách nhiệm cho các đơn vị.
Trực tiếp làm việc với một số huyện, các ý kiến đều cho rằng, việc sản xuất giao cho huyện triển khai đã khó, việc phòng chống dịch bệnh càng khó khăn hơn. Đơn cử như việc mua vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, nếu được giao xuống huyện sẽ không biết chỗ nào có nguồn vắc xin bảo đảm. Chưa kể, trong công tác tiêm phòng, việc bảo quản vắc xin là vô cùng cần thiết trong khi các huyện đều không có kho bảo quản. Công tác phòng chống dịch bệnh phải được tiến hành đồng bộ. Nếu phát hiện dịch bệnh ở huyện này và được ra quân diệt bệnh trong khi huyện lân cận cứ bàng quan, triển khai không đồng loạt thì tình trạng dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh.
Sản xuất nông nghiệp bản thân đã ẩn chứa nhiều rủi ro lại cần tuân theo khung thời vụ, khung dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt về giống và quản lý chuyển giao khoa học kỹ thuật. Do đó, việc triển khai chương trình đề án sản xuất nông nghiệp cần phải có một đơn vị chuyên môn thực hiện theo một cơ chế thống nhất từ trên xuống dưới, từ việc cung ứng giống, tập huấn cho nông dân đến việc giám sát dịch hại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.