Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Không chắc hiệu quả

An Nhi| 04/06/2013 06:16

(HNM) - Ngày 3-6, dự thảo đề án Cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) đưa ra lấy ý kiến.


Khi vấn đề chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, nhất là ca sĩ, người mẫu được Bộ VH,TT&DL đề xuất, không ít ý kiến, nhất là những người tổ chức và nghệ sĩ biểu diễn lâu năm phàn nàn rằng lại thêm một thủ tục nhiễu nhương, phiền hà. Trên thực tế, chứng chỉ hành nghề đã được thực hiện cấp thí điểm một lần (từ năm 1999 đến 2002), sau đó phải bỏ đi bởi chứng chỉ như một "giấy phép con" của hoạt động biểu diễn, trong khi tác động không nhiều. Và nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề lại được "xới" lên liệu có cần thiết?

Ca sỹ Thu Minh Ảnh: Quốc Thắng



Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, gần đây có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật gây phản ứng từ dư luận, ảnh hưởng đến việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Thêm một công cụ quản lý các đối tượng biểu diễn trực tiếp sẽ góp phần làm trong sạch môi trường biểu diễn nghệ thuật, để người có năng lực mới được xuất hiện, đem nghệ thuật đến công chúng. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương khẳng định, chứng chỉ hành nghề chỉ là một chiếc "giấy thông hành" để nghệ sĩ đến với công chúng, bảo đảm sự "an toàn" cho cả hai phía. Đó không phải cơ chế xin - cho mà là một thủ tục để cơ quan quản lý nắm rõ hơn về công tác nhân sự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm điều chỉnh và quản lý tốt hơn.

Dự thảo đề án đưa ra có mục đích, yêu cầu, đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, quyền và nghĩa vụ của người được cấp, thủ tục, trình tự cấp, đối tượng được đặc cách, xử lý vi phạm... Trong đó, tiêu chí cấp chứng chỉ được nhiều người quan tâm, góp ý. Ở đề án, tiêu chí khá đơn giản, miễn là nghệ sĩ, người mẫu biểu diễn nghệ thuật đó "có tư cách đạo đức xuất hiện trước công chúng; có năng lực nghệ thuật để trình diễn trước công chúng; chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề". Việc cấp chứng chỉ được thực hiện trên quan điểm thông thoáng, không phải thành lập các hội đồng nghệ thuật để thẩm định chất lượng nghệ sĩ, người mẫu.

Theo ông Chương, những vi phạm gần đây trong nghệ thuật biểu diễn phần lớn rơi vào ca sĩ và người mẫu. Vì vậy, đây là đối tượng cần được cấp giấy phép hành nghề đầu tiên và bị kiểm tra gay gắt nhất. Về điều này, một số ý kiến cho rằng chưa thực sự công bằng. "Nếu đã cấp, phải áp dụng cho tất cả nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn, để họ ý thức được nghề nghiệp của mình" - Giám đốc Sở VH,TT&DL Ninh Thuận nói.

Quá nhiều khoảng trống

Khi ban hành một văn bản quy định về hoạt động của bất cứ lĩnh vực nào cũng cần nhiều cơ sở: Yếu tố khoa học, căn cứ pháp lý, tính cấp thiết, cơ chế điều chỉnh... "Vì một khi đã bãi bỏ cấp chứng chỉ hành nghề một lần thì khi khởi động lại, phải đánh giá tính được mất của nó" - đại diện Cục An ninh tư tưởng văn hóa Bộ Công an - đưa ý kiến. Vị đại diện này cũng chỉ ra, theo dự thảo đề án, việc cấp chứng chỉ quá đơn giản, không xem xét nhiều yếu tố lý lịch cá nhân. Nhiều đại diện cơ quan quản lý phàn nàn dự thảo quá sơ sài, lộ nhiều khoảng trống, chưa đủ căn cứ để cho thấy tính cấp thiết của việc cấp chứng chỉ hành nghề và cơ chế điều chỉnh. "Trong các nghị định về quản lý biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu từ trước đến nay, không có mục nào nói về quản lý nhân sự. Vậy, nếu cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân nghệ sĩ thì lấy căn cứ pháp luật nào để điều chỉnh? Còn việc cấm, phạt nghệ sĩ, người mẫu biểu diễn như lâu nay vẫn áp dụng thì cũng có hiệu quả, miễn là đơn vị quản lý phải có trong tay quyền xử lý" - ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh nêu.

Song về cơ bản các đại diện cơ quan quản lý hay nghệ sĩ biểu diễn đều đồng tình với việc nên cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu biểu diễn. Họ cũng đồng thuận đặc cách và đơn giản thủ tục với các đối tượng như NSND, NSƯT; nghệ sĩ thuộc biên chế các đoàn nghệ thuật công lập, các trường đào tạo nghệ thuật nhưng với những đối tượng nghệ sĩ biểu diễn tự do, cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nói rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề được đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật phát triển đa dạng. Quan trọng nhất là sau khi cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường làm công tác hậu kiểm về hoạt động của các đối tượng này và xử lý nghiêm vi phạm. Dự thảo sẽ còn được lấy ý kiến rộng rãi nhiều đối tượng liên quan để sửa đổi, trình duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Không chắc hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.