Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách!

Nữ Quỳnh| 06/06/2011 06:32

(HNM)- Đó là điều Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong chỉ đạo được đưa ra tuần trước, yêu cầu các địa phương và đơn vị chức năng liên quan phải cấp bách đẩy lùi tai nạn giao thông, phải tạo được những chuyển biến rõ nét trong giảm tai nạn giao thông.


Hôm qua, báo chí đưa tin, trong một đêm 3-6, chỉ riêng tại tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 7 người chết và 24 người bị thương. Con số thật hãi hùng. Cũng đêm 3-6, tại một giao lộ ở TP Hồ Chí Minh, một chiếc xe ben chở đầy đất bỗng dưng từ đâu lao tới đâm vào dòng người đang dừng chờ đèn đỏ. Hậu quả là một nạn nhân mất mạng, bốn người khác vẫn đang trong tình trạng thập tử nhất sinh trong bệnh viện.

Đúng là thảm họa. Trong lúc chúng ta vẫn phải gồng mình lo chống dịch này, bệnh kia có thể gây tử vong mà chỉ cần một thông tin trên báo, hoặc thậm chí chỉ là một tin đồn đã khiến cho dư luận cảnh giác, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Thế nhưng, xót xa là con số người chết vì tai nạn giao thông vẫn được nhắc đến hằng ngày và con số ấy lớn hơn bất cứ loại dịch bệnh nào lại dường như chưa làm cho ai sợ hãi.

Báo cáo của ngành chức năng cho hay, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 4 năm qua đã có chuyển biến tích cực đáng kể, giảm được một số chỉ tiêu về tai nạn giao thông trên cả nước. So sánh về số vụ, số người chết và bị thương tính trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ thì số vụ giảm 32,8%, số người chết giảm 32,8%, số người bị thương giảm 31,1%. Song tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, chưa bao giờ bớt nóng.

Có thể khẳng định, tai nạn giao thông là thảm họa quốc gia, liên quan đến sự an nguy của nhiều người, nhiều gia đình và kéo lùi sự phát triển của xã hội, đất nước. Không đau xót sao được khi mỗi ngày có tới hơn 30 người chết (và có thể còn nhiều hơn) vì tai nạn giao thông.

Thêm một chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, cho chúng ta thêm nhiều hy vọng tốt đẹp hơn. Song hơn cả niềm hy vọng ấy là cả xã hội phải thật sự bắt tay vào hành động. Đã đến lúc chúng ta cần những hành động mạnh hơn, chủ động và hiệu quả hơn. Chúng ta không thể cứ mãi đổ cho điều kiện khách quan, rằng hạ tầng yếu, rằng số lượng phương tiện tăng quá nhanh… mà trước tiên cần xác định trách nhiệm một cách rõ ràng, nghiêm khắc cho từng cấp quản lý, từng con người trong xã hội. Chẳng hạn như, nếu trong một tuần để xảy ra đến mức bao nhiêu vụ, bao nhiêu người chết thì người đứng đầu quản lý, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm; bằng lái cấp sai thì người đứng đầu cơ quan đào tạo phải kỷ luật. Hay như phải thay đổi cách ứng xử với hành vi coi thường tính mạng con người của một số lái xe. Thật bất công khi làm chết một người (thậm chí là nhiều người) mà chỉ bị xét xử về hành vi vi phạm các quy định về giao thông với mức án nhẹ nhàng đến mức mà có lái xe vô nhân tính sẵn sàng thà "cán chết còn hơn để bị thương".

Xét cho cùng, xã hội có an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỷ cương, pháp luật. Kỷ cương, pháp luật thể hiện cả trong ý thức lẫn việc chấp hành pháp luật của cả người dân và người quản lý. Một khi kỷ cương chưa tốt, chưa nghiêm thì sẽ còn nhiều người nhờn. Ngược lại, có kỷ cương, pháp luật chặt chẽ thì vi phạm sẽ bớt. Vâng, "cấp bách". Chắc chắn đó là điều cần nhấn mạnh lúc này trước thảm họa tai nạn giao thông mà lẽ ra xã hội đã có thể loại trừ, hoặc chí ít là cũng giảm đến mức thấp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.