(HNM) - Những bế tắc trên chính trường Afghanistan sau vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hôm 14-6 vừa qua đã có lối thoát sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đứng ra làm trung gian hòa giải trong chuyến công du không báo trước tới quốc gia Nam Á này.
Theo thỏa thuận "ba bên" vừa đạt được giữa Ngoại trưởng John Kerry với hai ứng cử viên tổng thống - cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) Ashraf Ghani và cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah - khoảng 40% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sẽ được thẩm tra lại. Đây là một thành công trong nỗ lực hòa giải của ông Kerry bởi trước đó hai ứng viên đã tranh cãi gay gắt quanh việc bao nhiêu phòng phiếu sẽ được tái kiểm tra. Ông Abdullah đưa ra con số 11.000 trong khi đối thủ Ghani chỉ muốn giới hạn ở 7.000 hòm phiếu.
Thúc đẩy phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu với tổng thống tương lai của Afghanistan. |
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống vòng hai công bố ngày 7-7 vừa qua cho thấy, cựu chuyên gia kinh tế WB Ghani giành được 56,44% số phiếu, trong khi cựu Ngoại trưởng Abdullah - người dẫn đầu trong vòng một chỉ được 43,56% phiếu bầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử độc lập (IEC) Ahmad Yusuf Nuristani thừa nhận có sự gian lận nên nhiều khả năng kết quả cuối cùng sẽ có sự thay đổi. IEC tuyên bố sẽ xem xét các khiếu nại trước khi công bố kết quả chính thức vào ngày 24-7 tới. Ngay sau khi IEC đưa ra thông tin trên, ứng cử viên Abdullah cho hay sẽ không chấp nhận bất kỳ tuyên bố nào của cơ quan này cho đến khi loại bỏ được các phiếu bầu gian lận. Bất đồng đã đẩy Afghanistan rơi vào căng thẳng chính trị cũng như làm gia tăng lo ngại về tình trạng bất ổn và bạo lực sắc tộc, thậm chí có thể đẩy đất nước này rơi vào một cuộc nội chiến như thời kỳ 1992-1996.
Cuộc bầu cử bầu chọn người kế nhiệm Tổng thống Hamid Karzai được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu việc chuyển giao quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại quốc gia Nam Á này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001. Sự thành công của cuộc bỏ phiếu được xem như một tiêu chuẩn cho thành công của liên quân do Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban và hàng tỷ USD tài trợ cho Afghanistan từ năm 2001 đến nay. Theo kế hoạch, phái bộ chiến đấu của NATO tại Afghanistan sẽ "mãn nhiệm" vào cuối năm nay dù 10.000 binh lính Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú tại quốc gia Nam Á này trong năm 2015. Theo kế hoạch, Tổng thống H.Karzai sẽ chuyển giao quyền lực vào ngày 2-8 tới.
Thế nhưng, những cáo buộc gian lận bầu cử cũng như những tranh cãi sau khi có kết quả sơ bộ vòng hai đang đặt Afghanistan trước nhiều bất ổn. Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng, kể cả khi quá trình kiểm phiếu lại diễn ra suôn sẻ và dẫn tới việc quốc gia Nam Á chọn được tân tổng thống thì chính quyền mới vẫn có thể phải đối mặt với những lời tố cáo gian lận, hoặc ứng cử viên thất cử sẽ không chịu công nhận thất bại... Tất cả những kịch bản đã từng xảy ra trong quá khứ và chưa có gì bảo đảm sẽ không quay lại có thể làm bùng phát bạo lực giữa những người ủng hộ hai ứng cử viên, đặc biệt là hai tộc Pashtun và Tajik. Tình trạng đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tàn quân Taliban "đục nước thả câu", tăng cường các hoạt động chống phá Afghanistan.
Do đó, thành công của Ngoại trưởng Mỹ Kerry có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ, việc thẩm tra phiếu bầu sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất tại thủ đô Kabul theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Các hòm phiếu tại các tỉnh sẽ được Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đưa về Kabul. Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) sẽ đảm nhiệm việc thẩm tra phiếu bầu. Tuy nhiên, ông Kerry cũng thừa nhận rằng, tiến trình thẩm tra sẽ phải mất vài tuần, do đó lễ tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới dự kiến diễn ra vào ngày 2-8 tới có thể sẽ bị lui lại và Tổng thống đương nhiệm H.Karzai đã chấp thuận điều này.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cho biết, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ của Afghanistan đã tăng trưởng chậm lại rõ rệt khi cảnh báo rằng bạo lực, bất ổn chính trị và việc thiếu những cải cách cần thiết đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này trong tương lai. Theo IMF, nhịp độ tăng trưởng GDP của Afghanistan dự kiến sẽ giảm từ mức 3,6% trong năm 2013 xuống còn 3,2% năm nay. Số liệu này cho thấy đà tăng trưởng GDP của Afghanistan đã sụt giảm đáng kể so với mức tăng trưởng cao 14% nhờ vụ mùa bội thu hồi năm 2012. IMF cho rằng do nhu cầu chi tiêu cao đối với an ninh và phát triển kinh tế trong khi nguồn thu ngân sách hạn chế nên nền kinh tế Afghanistan vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài trong một thời gian dài. Mặc dù đến nay các động thái phản đối kết quả bầu cử ở Afghanistan vẫn diễn ra hòa bình, song một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ sau 13 năm cầm quyền của Tổng thống H.Karzai là điều mà phần lớn cử tri Afghanistan đang hồi hộp chờ đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.