Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh thị trường phim Việt: Cần minh bạch, rõ ràng

Hoàng Vũ| 16/06/2016 16:49

(HNMO) - Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương vừa có công văn trả lời Cục điện ảnh về việc giải quyết khiếu nại của 8 doanh nghiệp điện ảnh phản ánh tập đoàn CJ CGV Việt Nam dựa vào vị trí thống lĩnh thị trường.


* Chưa có bằng chứng khi khiếu kiện CJ CGV Việt Nam

Trong thư khiếu nại, 8 doanh nghiệp cũng cho rằng: “Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chia là 55/45, còn với các phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành tại hệ thống CGV là 45/55…”

Công văn của Cục quản lý canh tranh khẳng định, đơn khiếu kiện của 8 doanh nghiệp điện ảnh với CGV Việt Nam chưa có cơ sở, không có bằng chứng xác đáng


Đầu tháng 6 vừa qua, trong Công văn số 615/QLCT-P6 của Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) Bộ Công thương trả lời công văn số 282/ĐA-PBP ngày 31/5/2016 của Cục Điện ảnh về giải quyết khiếu nai khẳng định: Sau khi xem xét và căn cứ theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục QLCT xác định đơn của 8 doanh nghiệp điện ảnh chưa tuân thủ đúng theo thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh, các thông tin nêu trong đơn chưa rõ ràng đầy đủ và chưa có các bằng chứng kèm theo.

Nói về việc bị các doanh nghiệp gửi đơn khiếu kiện, đại diện CJ CGV Việt Nam cho biết: CGV tôn trọng thỏa thuận về giá trên tinh thần các bên tham gia giao dịch cùng có lợi. Trên cơ sở chi phí vận hành hệ thống rạp, chi phí cho các suất chiếu, phòng chiếu và chất lượng phục vụ, giá vé… các bên sẽ thỏa thuận tỷ suất chia doanh thu hợp lý nhất. Các doanh nghiệp nộp đơn tự cho rằng “CGV áp đặt” nhưng lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh luận điểm này.


Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia Tuần phim Việt 


Thực tế, có rất nhiều phim Việt bị từ chối ở các hệ thống rạp khác vì dự báo doanh thu thấp nhưng CJ CGV Việt Nam vẫn đầu tư xây dựng 2 phòng chiếu CGV Art House. Tính đến thời điểm này, CGV Art House đã góp phần giới thiệu nhiều bộ phim nghệ thuật Việt đến với khán giả Việt Nam như: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đập cánh giữa không trung”, “Những đứa con của làng”, “Người trở về”...

Cuối tháng 5 vừa qua, CJ CGV Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ phim Việt kéo dài hơn 10 ngày tại tất cả các hệ thống. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ trên toàn quốc. Trong khoảng thời gian này, CJ CGV Việt Nam đã dành khoảng 55%-60% công suất màn hình để chiếu những bộ phim Việt.

Việc thành lập hai trung tâm đào tạo nội bộ CGV University trong năm 2015 nhằm mục tiêu đào tạo kỹ năng chuyên ngành cho các nhân viên theo hệ thống đào tạo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, CJ CGV Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu điện ảnh tới các đối tượng khán giả ở khu vực không có điều kiện tiếp cận nhiều với điện ảnh như Trăng cười, Điện ảnh cho mọi người…

* Đóng góp của CGV cho điện ảnh Việt

Tính tới tháng 4.2016, CJ CGV đã đầu tư hơn 120 triệu USD vào Việt Nam (xây hơn 210 phòng chiếu với gần 30.000 ghế ngồi tại 11 tỉnh thành). Dự kiến cuối năm 2016, doanh nghiệp này sẽ đầu tư hơn 30 triệu USD để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ, nâng cao dịch vụ phát hành và chiếu phim.

Trong thư khiếu nại của 8 doanh nghiệp điện ảnh khẳng định: với 40% tổng số rạp toàn quốc, CJ CGV Việt Nam đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Vì thế, các doanh nghiệp mong muốn các ban, ngành chính phủ có hành động để hạn chế những hoạt động mang tính lạm dụng, dẫn đến độc quyền nhằm chèn ép các nhà sản xuất phim Việt.

Ngày 4/6/2016, ông Dong Won Kwak – TGĐ Công ty CJ CGV Việt Nam vinh dự nhận Chứng nhận đầu tư từ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung


Nói về điều này, đại diện của CJ CGV Việt Nam cho biết, thị phần 40% mà doanh nghiệp này có được là kết quả của sự đầu tư, phát triển không ngừng về công nghệ, dịch vụ, kỹ thuật cho các cụm rạp... Những thành quả này không do hành vi vi phạm pháp luật hay thủ đoạn trái luật pháp để chiếm thị phần của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đại diện này cũng cho biết, thời điểm hiện tại, CJ CGV Việt Nam đã đầu tư xây dựng 14 rạp ở các tỉnh thành xa trong đó có những địa phương có thể xảy ra rủi ro đầu tư cao như Đak Lak, Bình Định… Đây là những nơi mà hầu hết 8 doanh nghiệp có thư khiếu nại trên đều chưa có sự đầu tư.

Liên quan đến vụ việc khiếu nại giữa 8 doanh nghiệp điện ảnh trong nước với CJ CGV Việt Nam, luật sư Phạm Hoài Huấn, cố vấn pháp lý của Victory LLC cho rằng: “Cái căn bản nhất của tất cả các quy trình tố tụng đó là thể thức văn bản và các chứng cứ kèm theo. Việc các doanh nghiệp tiến hành khiếu kiện nhưng chưa có sự đầu tư cần thiết về mặt pháp lý như vậy khá là đáng tiếc”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, ĐH Tôn Đức Thắng thì chia sẻ, Việt Nam đang tham gia vào các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế như WTO, TPP… nên với các khiếu nại không có chứng cứ thì không thể dùng làm căn cứ xử lý người bị khiếu nại vì nếu làm thế thủ tục khiếu nại có thể bị lợi dụng để làm phiền, thậm chí làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh thị trường phim Việt: Cần minh bạch, rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.