(HNMO) - Để hút khách gửi tiền, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động VND khiến cho cuộc cạnh tranh lãi suất đang nóng lên.
Khoảng cuối tháng 12/2015, một số ngân hàng thương mại nhà nước tăng lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn ngắn lên mức khá cao. Chẳng hạn, BIDV điều chỉnh lãi suất huy động tăng tới 0,5%-0,8% so với trước, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên mức 4,8%/năm, 2 tháng là 5%/năm, 3 tháng là 5,2%/năm.
Ngay sau đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã nâng lãi suất để giành thế chủ động trong hút tiền gửi.
Lãi suất tiền gửi VND tăng |
Theo biểu lãi suất mới tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được nhà băng này niêm yết ở mức 4,8%/năm, tăng 0,2% so với thời điểm tuần thứ 2 của tháng 12; lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 5,3%; kỳ hạn 4 tháng được hưởng lãi suất 5,4%/năm trong khi trước đó chỉ là 4,9%/năm; kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng hưởng lãi suất lần lượt là 5,5% và 5,6%/năm. Tuy nhiên, các kỳ hạn từ 7 tháng trở lên vẫn được nhà băng nay giữ lãi suất như trước. Cụ thể,các kỳ hạn 7 tháng đến 11 tháng vẫn hưởng lãi suất 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,4%. Các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng có lãi suất lần lượt là 6,5%/năm, 6,6%/năm, 6,7%/năm và 6,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất 7,55%/năm vẫn dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Ngày 11/1, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp biểu lãi suất tiết kiệm VND mới. Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng được hưởng lãi suất 4,7%/năm, 2 tháng và tháng 4,89%/năm và 5,03%/năm, 4 tháng và 5 tháng là 5,12%/năm và 5,2%/năm.
Trước đó, ngày 8/1, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thay đổi biểu lãi suất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn tại đây không quá cao, chỉ từ mức 4,3%-4,8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng nhưng khách hàng gửi ở kỳ hạn dài, đặc biệt là kỳ hạn 15 tháng với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên được hưởng lãi suất cao nhất: 7,5%/năm...
Thời điểm này, nhu cầu về tiền mặt của doanh nghiệp và người dân cao. Với doanh nghiệp, họ cần tiền để chi trả hàng hóa và tiền công của công nhân, còn với người dân cần tiền sắm sửa phục vụ Tết. Vì thế, ngân hàng tăng lãi suất để giữ chân khách là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, dự báo, tín dụng năm 2016 sẽ tăng mạnh hơn nên nhu cầu về vốn sẽ tăng lên. Nâng lãi suất cũng là cách để nhà băng chuẩn bị nguồn vốn cho thời gian tới.
Như vậy, chủ trương là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng với việc lãi suất huy động tăng lên thì việc giảm lãi suất cho vay là rất khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.