Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh không ghìm được cương học phí

Quỳnh Phạm| 16/03/2010 08:45

(HNM) - Khi cuốn Những điều cần biết về thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vừa ra mắt, một trong những nội dung thu hút sự chú ý nhiều nhất của thí sinh là các chương trình đào tạo liên thông, liên kết của các trường, bên cạnh mối quan tâm chung là học phí.

Sinh viên trao đổi bài tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà.


Liên thông, liên kết để cạnh tranh đầu vào
Mặc dù thời gian gần đây số lượng các trường ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh gia tăng nhanh chóng, song cơ hội có một chỗ trong trường ĐH vẫn là điều khó khăn với nhiều thí sinh. Vì vậy, việc mở rộng thêm kênh đào tạo liên thông giúp tăng tỉ lệ tiếp cận với hình thức đào tạo ĐH, đồng thời giúp thí sinh chủ động hơn khi trang bị kiến thức cho mình với việc có nhiều giai đoạn học tập. Với từng bậc học, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đi làm với vốn kiến thức và tay nghề đã được trang bị. Ngoài ra, hình thức liên thông được các trường mở rộng từ hệ đào tạo trung học đến CĐ và lên thẳng ĐH là một trong những thế mạnh để các trường ngoài công lập thu hút đầu vào.

Năm nay Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà mở các ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin... ở cả 2 hệ CĐ và ĐH. Như vậy, sinh viên hệ CĐ của trường này sẽ có cơ hội học lên ĐH ngay tại trường. Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội năm 2010 sẽ là năm thứ 2 cho ra đời khóa liên thông cao đẳng ngành kế toán từ trung cấp. Mở ra hình thức CĐ liên thông, liên thông lên ĐH là lý do quan trọng giúp số lượng học sinh đăng ký dự thi năm 2009 vào Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội tăng 165% so với năm 2008.

Năm 2010 được ĐHQG TP Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) xác định là năm "liên thông và phát triển". Giám đốc, PGS-TS Phan Thanh Bình cho biết: "Năm nay, sự liên thông trong nội bộ, trong hệ thống và quốc tế được đẩy mạnh". Ông Bình khẳng định đây là một bước tiến trong cam kết với xã hội. Theo đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia liên thông và chuyển đổi một số chương trình trọng điểm với các trường thành viên Mạng ĐH Đông Nam Á; triển khai thí điểm việc liên thông trong ĐHQG...

Trong khi hình thức liên thông cho phép chủ động trong phân chia giai đoạn học tập thì những thí sinh muốn tăng cường khả năng ngoại ngữ hay muốn học cao hơn ở một số cơ sở đào tạo nước ngoài mà không phải thi đầu vào lại chú ý tới các chương trình liên kết với nước ngoài. Năm 2010, Trường ĐH KHXH và NV (ĐH QG Hà Nội) triển khai đào tạo liên kết quốc tế khóa đầu tiên cho ngành quản lý du lịch và quản lý hành chính công với ĐH Quảng Tây (Trung Quốc). Trường ĐH Điện lực và ĐH Kỹ thuật Praha (Séc) năm nay cũng bắt đầu chương trình đào tạo nhân lực ngành điện hạt nhân ở trình độ ĐH và sau ĐH. Sau hai năm học trong nước cho chương trình ĐH, một năm cho chương trình sau ĐH và một học kỳ cho chương trình tiến sĩ, các SV của chương trình liên kết sẽ được chấp nhận vào học năm tiếp theo tại Trường ĐH Praha.

Học phí tăng khoảng 10-15%
Nếu như các nội dung về hình thức đào tạo được các trường chủ động đưa ra để cạnh tranh đầu vào thì học phí lại là nội dung mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ngoài công lập phải nghiêm ngặt công khai trong cuốn Những điều cần biết về thi và tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều chỉnh khung học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, nhiều trường ngoài công lập đã có kế hoạch tăng học phí với các mức độ khác nhau.

Nhiều trường đều cho biết chi phí đầu vào đã tăng lên rất cao nên học phí không thể không tăng theo để bảo đảm chất lượng. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Thăng Long ông Lê Văn Một, năm học tới trường sẽ tăng 10-15% học phí. Trong 16 ngành đào tạo của trường, học phí được xác định và tăng tùy theo từng ngành, hiện khối ngành y dược có mức học phí cao nhất, 12 triệu đồng/năm, trong đó riêng ngành điều dưỡng học phí là 15 triệu đồng. Trường ĐH Đại Nam thì chỉ tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2010 và giữ nguyên mức học phí đối với các khóa trước. Hệ ĐH tăng từ 800 nghìn đồng/tháng lên 980 nghìn đồng/tháng đối với tất cả các ngành học; hệ CĐ tăng từ 700 nghìn đồng/tháng lên 800 nghìn đồng/tháng.

Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh cũng cho biết học phí của trường sẽ tăng khoảng 10%, từ 5 triệu đồng/năm lên 5,5 triệu đồng/năm. Lý do mà trường đưa ra là do tỉ lệ trượt giá cao, chi phí đầu vào tăng, ngoài ra trường cũng trang bị thêm khoảng 100 máy tính và hoàn thiện cơ sở vật chất với khoảng 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để bảo đảm đầu vào không bị giảm sút số lượng do vấn đề học phí, hoặc do học phí vốn đã khá cao. Một số trường vẫn giữ nguyên mức học phí, ít nhất trong năm học sắp tới. Trường ĐH Thành Tây cho biết hệ ĐH của nhà trường sẽ vẫn có mức 7 triệu đồng/năm và hệ CĐ là 5 triệu đồng/năm như năm học trước. Trường ĐH dân lập Hải Phòng cũng không thay đổi với mức 7,9 triệu đồng/năm. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng khẳng định học phí của trường giữ nguyên như năm 2009 là 18 triệu đồng/năm với các ngành kinh tế và 20 triệu đồng/năm với các ngành kỹ thuật. Trường ĐH FPT giữ nguyên mức học phí 1.100 USD/kỳ được quy đổi ra tiền Việt theo tỉ giá của Ngân hàng Ngoại thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh không ghìm được cương học phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.