(HNM) - Đến năm 1997, nước ta mới có một doanh nghiệp dịch vụ quốc tế internet là Tổng Công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) và 4 doanh nghiệp dịch vụ trong nước. Cũng trong năm 1997, tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam mới được xuất bản.
Thực ra, Quê hương chỉ là phiên bản điện tử của tạp chí in Quê hương, cơ quan của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, một tháng ra một số nhưng vào thời điểm đó, Quê hương là một sự kiện lạ tuy còn khá xa vời với hoạt động báo chí chung. Chưa có nhu cầu đọc nhiều và nói đúng hơn, cũng chẳng có máy tính mà đọc, có máy cũng chẳng biết vào internet thế nào. Người ta lặng lẽ chấp nhận Quê hương vào làng báo như một sự kiện đặc thù.
Nhưng chỉ gần 15 năm sau, internet (trong đó có báo điện tử) đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống. Việt Nam trở thành một nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất trong khu vực. Và trong một cuộc thăm dò dư luận, 58% số người được hỏi trả lời họ vào internet để đọc báo điện tử và sử dụng thư điện tử.
Đến nay, nước ta đã có hơn 100 báo điện tử được cấp phép, không tính các báo điện tử của nước ngoài đang hoạt động trên mạng Việt Nam. Ngoài báo điện tử, ở Việt Nam còn hàng triệu website, blog cá nhân tính chất không khác báo điện tử bao nhiêu. Các dạng này truyền tải một khối lượng rất lớn các ý kiến, thông tin cá nhân, có khả năng tương tác nên rất được người đọc chú ý khai thác. Một blog cá nhân của một nhà văn hiện nay đã có địa chỉ truy cập trên khắp các châu lục.
Báo điện tử khác với báo giấy là tin tức được cập nhật thường xuyên, phá bỏ khái niệm cổ điển về báo chí "là một ấn phẩm thông tin định kỳ". Báo điện tử có cấu trúc lập thể, thuận tiện cho việc khai thác và cho phép người ta tiết kiệm tối đa thời gian đọc báo. Báo cũng rất thuận tiện cho việc phản hồi, tương tác, lưu trữ tài liệu, trao đổi tài liệu với người khác, tránh phải cắt dán, lưu trữ, bảo quản phiền phức. Quan trọng hơn cả, báo điện tử là loại hình báo chí đa phương tiện, trên một bản báo có thể sử dụng đồng thời các loại hình báo khác là báo in, báo nói, báo hình và các ứng dụng thông tin thuận lợi khác.
Lợi thế cho phép người đọc báo không phụ thuộc vào không gian, thời gian, dù ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể có mọi thông tin trên internet đã làm đảo lộn thói quen đọc báo và ảnh hưởng rất lớn tới báo in truyền thống.
Với việc phát triển của báo điện tử, các loại báo giấy ở Việt Nam trong 10 năm qua đã bị sụt giảm về số lượng. Các tờ báo có thị phần lớn từ 20 vạn đến 40 vạn/kỳ trước đây, nay lượng bản giảm từ 1/2 đến 1/3. Một số tờ báo in hiện nay sống nhờ hoàn toàn vào phiên bản điện tử của mình. Một số tờ báo điện tử hiện đang là thương hiệu giúp cho doanh nghiệp "mẹ" tồn tại và phát triển. Không chỉ suy giảm về lượng bản, các báo in còn bị cạnh tranh gay gắt về nguồn thông tin. Các thông tin trên báo điện tử thường được cập nhật tức thì, thường xuyên được bổ sung, chất lượng cả chữ và ảnh đều đẹp, có ngay tại nhà trong khi tin trên báo in ít nhất phải chậm 6 giờ đến 12 giờ, phải mua báo với giá đắt hơn nhiều. Chính vì bị cạnh tranh như vậy, nhiều dịch vụ báo in từng rất phát đạt trước đây như các bản tin nhanh World Cup, tin nhanh Giải bóng đá vô địch châu Âu, tin nhanh phục vụ kỳ thi THPT, thi ĐH và CĐ… đã giảm rất nhiều về số bản, số trang. Các báo điện tử cũng như các website và cả blog cũng đã chia sẻ thị phần quảng cáo của báo in và một chừng mực nào đó, của cả phát thanh, truyền hình. Việc sụt giảm lượng và giá quảng cáo trên các báo in hiện đang là một thử thách lớn. Hiện nay, tuy chưa có một tờ báo điện tử nào ở Việt Nam có lãi từ quảng cáo, nhưng theo dự báo của Công ty Truyền thông VSS (Mỹ), vào năm 2011, doanh thu từ quảng cáo sẽ xếp theo thứ tự 60 tỷ USD cho quảng cáo trên internet; 51 tỷ USD cho TV và 44 tỷ USD cho báo, tạp chí in.
Trước những thách thức đó, để cùng tồn tại và phát triển, không có cách nào khác là các thể loại báo chí cần phải nâng cao chất lượng của mình cả về hình thức và nội dung, đổi mới hoạt động xuất bản và phát hành. Báo điện tử đang tạo ra sự cạnh tranh mới trong hoạt động báo chí ở Việt Nam và nhất định sự phát triển đó sẽ có lợi và có ích hơn cho công chúng, từ đó có lợi, có ích hơn cho nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.