(HNM) - Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành "cánh tay nối dài" đưa hàng Việt ra thế giới, đóng góp cho tăng trưởng xuất, nhập khẩu. Thời gian tới, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tạo cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp trong nước với các thị trường thế giới.
Kết nối hiệu quả doanh nghiệp với thị trường
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, từ đó kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Còn Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, với việc tham gia chuỗi 30 phiên tư vấn thị trường xuất khẩu, trên 20 hội nghị giao thương trực tuyến và 3 hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của 63 tỉnh, thành phố, hệ thống thương vụ tại nước ngoài đã phổ biến thông tin và hướng dẫn tiếp cận thị trường, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu. “Bên cạnh đó, hệ thống thương vụ đã nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, qua đó đề xuất biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, kịp thời”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Trên thực tế, hoạt động của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần đưa kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta tiếp tục đà tăng trưởng cao, đạt trên 435 tỷ USD trong 7 tháng năm 2022, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 16,8%, tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Hoàng Thúy, trong bối cảnh thế giới luôn biến động, thông tin nhanh và nhạy bén là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp. “Với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển trở thành "cánh tay nối dài" đưa hàng Việt ra thế giới và là đội phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước”, bà Nguyễn Hoàng Thúy nói.
Liên quan tới việc xúc tiến thương mại đến thị trường Australia, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, từ thực tế thị trường, thương vụ đã thông tin tới các doanh nghiệp để định hướng và tiếp cận thị trường, cách xây dựng thương hiệu cho nông sản, hàng hóa Việt Nam. Các đối tác Australia đánh giá cao hàng hóa Việt Nam cả về chất lượng và giá thành, đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Tổ chức giao ban xúc tiến thương mại hằng tháng
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đánh giá, hiện nay dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tình hình xung đột địa chính trị gây nên tác động tiêu cực cho kinh tế thế giới. Thời gian tới, những tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể nghiêm trọng hơn… Thực tế trên tiếp tục tác động tới hoạt động xuất, nhập khẩu, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất. Do đó, giao ban xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức hằng tháng giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất. Mục tiêu là nhằm cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất thông tin thị trường, quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Có cùng quan điểm về việc cần thông tin nhanh và chính xác tình hình thị trường thế giới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị, thương vụ Việt Nam ở các nước đẩy mạnh quảng bá sản phẩm da giày, một lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại, để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin và đặt hàng của Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đại diện thương vụ tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, năm 2022-2023 sẽ tổ chức loạt sự kiện, diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp, các bang Oregon và Colorado (khu vực bờ Tây của Hoa Kỳ) với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam. Còn Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa thông tin, thời gian tới, thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại liên quan tới các ngành hàng có kim ngạch lớn, nhằm nâng cao tỷ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.