(HNM) - Từ cuối tháng 4-2013, công an thành phố (CATP) Hà Nội triển khai thực hiện thông tư số 12/2013/TT-BCA, tập trung giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký chuyển nhượng qua nhiều người.
Chuyển biến rõ nét từ làm điểm
Việc thực hiện Thông tư 12 nhằm tăng cường khả năng quản lý số phương tiện, danh tính chủ phương tiện, các hoạt động mua bán, trao đổi tài sản là phương tiện giao thông, phòng ngừa trường hợp các đối tượng sử dụng xe trộm cắp, xe gian lưu hành, gây án. Khi mới triển khai, không ít ý kiến lo lắng rằng với thời hạn chưa đầy 2 năm (đến hết năm 2014), cơ quan chức năng khó có thể giải quyết hết thủ tục cho số xe mua bán trôi nổi. Nhưng với cách làm mà CATP Hà Nội đang triển khai, khoảng thời gian đó không quá eo hẹp. Hơn thế nữa, biện pháp mà CATP Hà Nội thực hiện còn đạt được những mục tiêu có ý nghĩa lâu dài hơn...
Cảnh sát khu vực phường Liễu Giai (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo tạm trú, tạm vắng. Ảnh: Bảo Lâm |
Ngay sau khi Thông tư 12 có hiệu lực, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CA các quận, huyện, thị xã, chỉ huy công an các phường, đồn, trạm… chỉ đạo lực lượng CSKV toàn thành phố thăm hỏi 100% hộ dân, qua đó khảo sát, tìm hiểu, hướng dẫn người dân có phương tiện chưa sang tên đổi chủ các thủ tục liên quan. Việc làm đó xuất phát từ quan điểm đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng về nhân dân và nâng cao vai trò của lực lượng CSKV. Ban đầu, lực lượng CSKV CA ba phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) và Văn Chương (quận Đống Đa) được giao làm thí điểm. Chưa hết thời hạn thí điểm, cách làm này nhanh chóng cho thấy hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong 10 ngày đầu tháng 5, tại 3 phường thí điểm, CSKV đã khảo sát đến 50% hộ gia đình. CA phường Ngô Thì Nhậm đạt kết quả cao nhất, với tỷ lệ hơn 62% số hộ dân. Không chỉ hướng dẫn xác minh cho nhân khẩu thường trú, CA phường Ngô Thì Nhậm tiến hành điều tra, phát mẫu cho tất cả các hộ, nhân khẩu tạm trú trên địa bàn, đồng thời xây dựng thêm nhiều biểu mẫu kết hợp điều tra nhân, hộ khẩu trong địa bàn quản lý. Đến nay, hầu hết hộ trong tổng số hơn 2.000 hộ dân ở 38 tổ dân phố của phường Ngô Thì Nhậm đã được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến Thông tư 12.
Nâng cao trách nhiệm của cảnh sát khu vực
Thấy rõ hiệu quả của biện pháp trên, CA quận Hai Bà Trưng xin phép sớm triển khai trên toàn quận và đến nay, hình thức này đã được triển khai trên toàn thành phố. CSKV xuống từng hộ dân hướng dẫn thủ tục đã tạo không khí làm việc mới. Trung tá Nguyễn Văn Khoát - Trưởng CA phường Văn Chương (quận Ðống Ða), thẳng thắn: "Lâu nay, công việc của CSKV là xuống khu dân cư, đến hộ dân để thăm hỏi, nắm tình hình nhưng thực tế là đối với không ít CSKV, việc đi cơ sở vẫn nặng về hình thức. Không ít nơi, có hộ dân cả năm không thấy CSKV đến nhà. Việc triển khai Thông tư 12 theo cách làm này đã "cởi" được bệnh hình thức đó".
Từ sự tận tình, trách nhiệm của đội ngũ CSKV, tinh thần nhiệt tình với công việc lan tỏa tới cả đội ngũ cán bộ cơ sở, sát cánh cùng lực lượng CA. Cán bộ cơ sở đã chủ động hơn, cùng CSKV sát dân, sát việc hơn. Không chỉ là việc đăng ký phương tiện, nhiều phần việc khác được lồng ghép, tạo khí thế mới cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTT. Cũng từ việc làm của CSKV, các đơn vị liên quan cũng có đà, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) khẳng định: "Bộ phận làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký phương tiện sẽ vào cuộc với tinh thần "làm hết việc chứ không làm hết giờ...".
Song song với việc triển khai thực hiện Thông tư 12, CATP Hà Nội vừa ban hành quy định tạm thời về bố trí, chuyển đổi, điều chuyển, đào tạo và sử dụng trang phục của lực lượng CSKV. Quy định này nhằm tạo hình ảnh mới cho lực lượng CSKV, từ trang phục, tác phong cho đến chất lượng công tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.