(HNM) - Kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc máy bay bắt đầu lăn bánh trên đường băng đến lúc bay, rồi hạ cánh; lực lượng kiểm soát viên không lưu cũng như “cảnh sát giao thông” trên trời, luôn phải tập trung cao độ, chính xác trong từng tình huống điều hành, dẫn dắt, giám sát để tránh mọi sự va chạm. Là một nghề rất đặc biệt, chịu nhiều áp lực, song với họ, niềm vui nhất là sự an toàn của mỗi chuyến bay...
Thăm đài kiểm soát không lưu
Phải trực tiếp được cán bộ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đưa đi, sau các bước kiểm tra an ninh, chúng tôi mới có thể bước chân qua chiếc cổng của Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài. Kể từ đây, mọi hoạt động của phóng viên đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ, nhân viên Đài.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm Kiểm soát không lưu Nội Bài cho biết, mục đích của hoạt động không lưu là điều hành, dẫn dắt, giám sát máy bay để không xảy ra va chạm. Đài Kiểm soát không lưu là nơi máy bay bắt đầu khởi nguồn của hành trình.
Tính đến thời điểm này, Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài đang giữ kỷ lục cao nhất Đông Nam Á (cao 88m so với mặt đất và 100m so với mặt nước biển). Các trang thiết bị tại đây được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ Đài Kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất gặp trục trặc, thì từ đầu Nội Bài vẫn có thể hỗ trợ giải cứu.
Phải qua mấy tầng thang máy và leo nhiều vòng cầu thang bộ theo hình xoáy trôn ốc, chúng tôi mới lên tới đỉnh đài. Trong căn phòng được thiết kế hình tròn với các vách kính bao quanh có thể nhìn bao quát mọi hướng trong sân bay, 6 kiểm soát viên không lưu đang liên tục điều hành, trao đổi với phi công thông qua những chiếc micro. Mỗi ca trực chỉ kéo dài tối đa 2 giờ.
Trong thời gian đó, họ phải hoàn toàn tập trung, không được sử dụng điện thoại di động, không được làm việc riêng. Ai có biểu hiện ốm, hoặc tinh thần bất ổn lập tức được thay thế, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới sự cố, hay tai nạn nghiêm trọng.
Tại đây có 3 cơ sở, điều hành toàn bộ quy trình máy bay từ lúc trong sân đỗ, lăn ra đường băng, cất cánh... sau đó chuyển giao cho Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội. Đến Trung tâm đường dài lại chuyển giao cho các trung tâm kế cận... Máy bay luôn phải chuyển qua 3 công đoạn dưới sự điều hành của không lưu, mỗi công đoạn lại có một tần số radar để quản lý và liên lạc với phi công.
Trái với đỉnh đài rất sáng, trong phòng kiểm soát tiếp cận chỉ có ánh sáng phát ra từ những màn hình radar. Phó Trung tâm Kiểm soát không lưu Nội Bài Trần Xuân Lộc giải thích, bố trí ánh sáng như vậy để nhân viên không bị lóa, có thể nhìn rõ các mục tiêu trên màn hình. “Trường hợp phi công không tuân thủ huấn lệnh, không lưu sẽ xử lý cách nào?”, người viết hỏi.
“Khoảng cách tối thiểu 2 máy bay phải cách nhau 5 dặm (tương đương 9,3km). Nếu phi công không tuân thủ huấn lệnh, không lưu sẽ khống chế bằng cách yêu cầu dừng độ cao, bay tách ra. Khi đã bảo đảm an toàn, kíp trưởng sẽ báo cáo Cục Hàng không Việt Nam lập tổ điều tra, xử lý vi phạm. Toàn bộ quá trình hạ cánh, lăn bánh trên đường băng, sân đỗ được ghi lại trên màn hình; trao đổi giữa phi công và nhân viên không lưu được ghi âm. Bất kể có điều gì sai sót, phi công làm sai huấn lệnh, kíp trưởng đều phải báo cáo bằng biên bản. Nhân viên không lưu làm sai, kíp trưởng cũng phải báo cáo. Để tránh phi công nghe nhầm huấn lệnh, giữa nhân viên không lưu và phi công phải liên tục thông thoại, nhắc lại nhiều lần”, ông Trần Xuân Lộc chia sẻ.
Hạnh phúc bình dị
Hiện, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có hơn 700 kiểm soát viên không lưu, đảm nhiệm cung cấp dịch vụ tại 22 cảng hàng không, sân bay cả nước và 2 vùng thông báo bay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Riêng tại Nội Bài và Tân Sân Nhất, mỗi nơi có 200 kiểm soát viên, bởi đây là hai sân bay có tần suất hoạt động bay rất lớn, bình quân 1-2 phút lại có một chuyến bay cất, hạ cánh.
“Với năng lực điều hành bay như vậy, kiểm soát viên không lưu Việt Nam không thua kém gì so với các nước phát triển”, Tổng Giám đốc Đoàn Hữu Gia cho biết.
Để trở thành một kiểm soát không lưu, theo ông Đoàn Hữu Gia, ứng viên phải giỏi tiếng Anh, bởi đây là ngôn ngữ chung của ngành Hàng không. Theo 6 mức theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhân viên không lưu phải đạt cấp 4/6 (cấp 6 tương đương với tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ). Đặc biệt, phải nói rõ ràng, lưu loát, đúng tốc độ (không quá 100 từ/phút), bởi nói nhanh quá phi công sẽ không hiểu, hoặc chậm quá thì không đủ thời gian liên lạc với phi công.
Song, quan trọng nhất là phải có tố chất về hình học không gian, có trí nhớ tốt, đủ sức khỏe và chiều cao, không cận thị... Cứ 3 năm một lần, các nhân viên không lưu phải trải qua các kỳ sát hạch, nếu không đạt phải chuyển công tác khác. Ngoài ra, kiểm soát viên không lưu phải mang quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam, bởi liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong nghề, ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm Kiểm soát không lưu Nội Bài nhắc đến thời điểm năm 2006, khi Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
"Hôm ấy, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ và Thủ tướng New Zealand đến sân bay Nội Bài cùng lúc. Theo luật của Việt Nam, các chuyên cơ phải hạ cánh cách nhau 10 phút và một chiếc bắt buộc phải chờ. Ưu tiên ai để không xảy ra thắc mắc? Sau hồi suy nghĩ, tôi quyết định cho máy bay Air Force One của Mỹ hạ trước do thủ tục của họ tương đối phức tạp. Sau đó, phi công lái máy bay New Zealand hỏi tại sao. Tôi trả lời là trong vùng trời đang có rất nhiều chuyên cơ, nên chúng tôi cần một khoảng thời gian nhất định làm các thủ tục mặt đất để chào đón quý ngài. Thế là mọi việc suôn sẻ. Đến kỳ APEC mới đây diễn ra tại Đà Nẵng, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam do biết chuyện đó, nên đưa tôi vào hỗ trợ”, ông Nguyễn Ngọc Quang nhớ lại.
Người lớn tuổi nhất của Trung tâm Kiểm soát không lưu Nội Bài là kiểm soát viên Nguyễn Đình Tôn. Dù sắp đến tuổi nghỉ hưu và từng là người hướng dẫn của Trưởng đài Nguyễn Ngọc Quang và Phó đài Trần Xuân Lộc những ngày đầu vào nghề, nhưng ông vẫn ngày ngày cầm micro trực tiếp đàm thoại với phi công. Mấy chục năm trong nghề, phi công mỗi khi hạ cánh nghe giọng ông đã thành quen đều gửi lời chào.
“Được ví như “Cảnh sát giao thông” trên trời, căng thẳng, áp lực là vậy, song hạnh phúc với chúng tôi rất bình dị: Điều hành từng chuyến bay an toàn, hành khách được an toàn”, ông Nguyễn Đình Tôn bộc bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.