Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với thuốc điều trị viêm gan vi rút bị làm giả

Gia Phong| 29/08/2016 16:05

(HNMO) - Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết tại hội thảo truyền thông về bệnh viêm gan vi rút do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29-8 tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130 - 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm khoảng 1,4 triệu người. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan hàng năm. Ước tính, có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.

Theo khuyến cáo của WHO, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan vi rút B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ, trong đó có liều trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Theo WHO, năm 2016 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%.

Tại nước ta, hiện việc phòng chống viêm gan vi rút còn một số khó khăn khi năm 2015 độ bao phủ vắc xin viêm gan B đạt tới trên 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%. Ngoài ra, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C mà viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C, song việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, tại Việt Nam ước tính mỗi năm có hàng nghìn ca nhiễm viêm gan vi rút mới, trong đó có nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi phát triển thành ung thư gan. Hiện tại, viêm gan vi rút B đã có vắc xin phòng và người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tiền thuốc điều trị. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện phác đồ điều trị viêm gan vi rút C, cập nhật thuốc điều trị mới, sớm ban hành làm cơ sở đề xuất Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh. Tuy nhiên, do chi phí điều trị còn quá lớn (khoảng 180 triệu đồng/đợt điều trị viêm gan C) khiến không ít người bệnh tự tìm mua thuốc “xách tay” hoặc do người quen giới thiệu. Những loại thuốc này có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát, thậm chí có nguy cơ bị làm giả, được sản xuất từ bột mỳ. Khi thuốc bị làm giả không có tác dụng điều trị sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với thuốc điều trị viêm gan vi rút bị làm giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.