(HNM) - Mạng xã hội mở ra nhiều mối quan hệ hữu ích cho người sử dụng nên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội đang là nơi tội phạm lợi dụng để tìm cách gây án...
Ảnh minh họa |
Tính tương tác cao giữa những người sử dụng mạng xã hội là một lợi điểm lớn khiến cho các mối quan hệ tại đây được coi là minh bạch và "an toàn" hơn so với việc giao lưu bằng các phương thức khác trên mạng internet. Tuy nhiên, đây vẫn là một môi trường khá phức tạp nên nếu bị kẻ xấu lợi dụng có thể trở thành cạm bẫy đối với người nhẹ dạ.
Cuối tháng 8-2013, cơ quan CSĐT, CA quận Đống Đa đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phan Tất Thắng (SN 1987, trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) về hành vi lừa đảo. Trên mạng xã hội, Thắng giả danh là cháu ruột của một vị giám đốc ngân hàng, làm quen và lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều cô gái nhẹ dạ. Kết bạn trên mạng xã hội, đầu tháng 7-2013, Thắng tỏ vẻ cảm thông và hứa giúp chị Nguyễn Thị T. xin việc làm tại ngân hàng với giá 110 triệu đồng. Nạn nhân cả tin, còn kéo theo hai người bạn vào cuộc... Những trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội như thế đang có xu hướng gia tăng.
Cũng vì tính tương tác cao, mức độ tin cậy tương đối nên nhiều loại tội phạm khác đang lợi dụng mạng xã hội để mở rộng đất làm ăn. Đáng kể là các loại tội phạm buôn bán người, tổ chức mại dâm, buôn bán ma túy. Thông tin có thể trao đổi qua mạng xã hội rất phong phú nên thông qua kênh này, tội phạm dễ dàng hơn trong việc móc nối, dụ dỗ nạn nhân tham gia các đường dây tội phạm, tệ nạn. Nhiều ổ nhóm ma túy tìm người vận chuyển thông qua mạng xã hội dựa vào việc dễ dàng nghiên cứu đặc điểm nhân thân, gia cảnh của đối tượng. Tội phạm mại dâm cũng coi mạng xã hội là nơi dễ dàng "tiếp thị"...
Không chỉ các loại tội phạm mới, tội phạm truyền thống cũng bắt đầu sử dụng mạng xã hội là nơi tập hợp để gây án. Ngày 25-6-2013, một nhóm thanh niên gồm 5 nam và 3 nữ tại Hải Phòng đã bị bắt do sử dụng Facebook để "lừa tình", hành hung người khác, cướp tài sản. Mạng xã hội cũng là nơi nảy sinh những mâu thuẫn như trong đời thật, dễ nảy sinh những vụ ẩu đả trong thực tế, dẫn đến những hậu quả không hề nhỏ, thậm chí xảy ra án mạng...
Ngoài ra, như các hình thức sử dụng internet khác, mạng xã hội cũng là nơi tội phạm công nghệ cao lợi dụng khai thác triệt để. Đơn giản là kẻ gian lấy trộm "nick" trên mạng xã hội rồi sử dụng vào mục đích xấu như nhắn tin nhờ mua giúp thẻ điện thoại, vay tiền. Ở mức độ tinh vi hơn, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, tội phạm mạng chuyển hướng sang mục tiêu mới như tạo ra các tài sản ảo như lượt "like", lượng người theo dõi để bán cho khách hàng có nhu cầu. Những tài sản ảo này lại tiếp tục tạo ra các giá trị ảo cho cá nhân, tổ chức, nhãn hàng, gây rối loạn thị trường, sai lệch giá trị thực, dễ bị lợi dụng để lừa đảo...
Điều đáng nói là với các loại tội phạm, tệ nạn trên, cơ quan CA chưa đưa ra được biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào. Lực lượng chống tội phạm công nghệ cao chưa đủ năng lực để kiểm soát toàn bộ hệ thống mạng xã hội, vốn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Cơ quan chức năng không thể tìm và chặn được hết những giao dịch, hành vi, hoạt động bất hợp pháp hoặc có nguy cơ dẫn đến hoạt động bất hợp pháp. Để góp phần không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, ngày 15-7-2013, Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 1-9. Nghị định này được coi là công cụ mới để tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, thông tin điện tử. Tuy nhiên, ở góc độ phòng chống tội phạm, văn bản pháp quy này vẫn chưa với tới...
Khuyến cáo chung đối với những người sử dụng internet và tham gia mạng xã hội hiện nay vẫn là tự nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa. Trong các trường hợp bị xâm hại qua mạng internet hoặc mạng xã hội, bị hại cần tự rút sớm khỏi mạng, thông báo đến các cơ quan chức năng. Đặc biệt là để giảm thiểu thiệt hại cho bản thân và giúp cơ quan chức năng ngăn chặn tội phạm trên mạng xã hội, người sử dụng mạng bắt buộc phải "thông thái"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.