(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước bất ngờ giảm tốc, chỉ tăng 0,14%. Đây là mức tăng CPI thấp nhất kể từ tháng 3-2009. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức 7%.
Giá vàng trên thị trường đã bắt đầu “tụt dốc” trong tháng 4 vừa qua. |
Nỗ lực "ghìm" CPI
Sau những diễn biến bất ngờ trong 3 tháng đầu năm, CPI tháng 4 đã giảm tốc với mức tăng nhẹ 0,14% so với tháng 3. Mặc dù tốc độ tăng giá đã chậm lại, song CPI 4 tháng đầu năm vẫn tăng 4,27% so với tháng 12-2009. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 "hạ nhiệt" là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm đóng góp gần 40% trong cơ cấu CPI) giảm giá sau gần 1 năm liên tục "leo thang". Giá lương thực cũng giảm nhờ có vụ mùa bội thu tại các tỉnh phía Nam. Giá thực phẩm, nhất là thịt lợn, đã giảm do cung - cầu cân bằng trở lại sau những tháng Tết. Tháng 4, mặc dù giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng rất cao, nhưng với cơ cấu chỉ chiếm 10% trong CPI, việc tăng giá của nhóm hàng này không đủ sức kéo CPI tăng cao. Giá vàng và USD trên thị trường tự do trong tháng 4 đều "tụt dốc" do giá vàng thế giới giảm và chính sách thay đổi tỷ giá giữa USD - VND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát huy tác dụng. Trong đó, giá vàng giảm 0,8%; giá USD giảm 0,28% so với tháng 3.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI cũng "hạ nhiệt" trong tháng 4. Trong đó, CPI tại Hà Nội giảm 0,2%; TP Hồ Chí Minh chỉ tăng nhẹ (0,23%). Tại Hà Nội, có 3 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm văn hóa, thể thao, giải trí và nhóm bưu chính -viễn thông. Những nhóm hàng này giảm giá đã góp phần làm giảm CPI tháng 4 tại Hà Nội. Tại TP Hồ Chí Minh, nhóm nhà ở - điện nước - chất đốt - vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất: 1,96%. Các nhóm hàng hóa khác chỉ tăng nhẹ hoặc giảm. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,26% (lương thực giảm 2,05%, thực phẩm giảm 0,23%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,62%)...
CPI tháng 4 hạ nhiệt cho thấy giá tiêu dùng đang dần trở lại theo đúng quy luật hằng năm. Đạt được kết quả này là nhờ hàng loạt biện pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã triển khai đồng bộ thời gian qua.
Tăng cường giám sát để ngăn ngừa lạm phát
Với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, đầu tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP với 6 nhóm giải pháp quan trọng, gồm tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống tài chính -ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Để tránh gây xáo trộn đời sống của người dân, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính không tăng giá mặt hàng xăng, dầu trước tháng 6-2010. Bên cạnh đó, quyết định của NHNN cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đã khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đã giúp mặt bằng lãi suất giảm dần, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 18 của Chính phủ. Bên cạnh việc tập trung kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính nhằm bảo đảm hệ thống hoạt động an toàn, lành mạnh. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện nhằm cắt giảm chi phí cho DN...
Nhận xét về tốc độ tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2010, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát đang ở mức hợp lý chứ không vượt quá tầm kiểm soát như một số quan điểm đã nêu ra trong tháng 3. Tuy nhiên, không nên chủ quan khi CPI "hạ nhiệt", mà cần tăng cường giám sát để ngăn chặn lạm phát trở lại. Đây là biện pháp cần thiết để tránh không bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát, dễ gây đổ vỡ cho nền kinh tế.
Dự báo về tốc độ tăng CPI tháng 5, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự đan xen giữa tăng và giảm giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong tháng 4 sẽ khiến diễn biến CPI tháng tới khó dự báo. Tốc độ tiêu dùng tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ (30-4 và 1-5) là một trong những nguyên nhân gây sức ép tăng CPI tháng tới. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dựa trên diễn biến giá cả thực tế hiện nay, CPI tháng 5 chỉ tăng nhẹ (0,3-0,4%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.