Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác khi mắc cúm

Thu Trang| 05/01/2015 07:09

(HNM) - Tuần qua, kết quả xét nghiệm của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương xác nhận một bé gái 12 tuổi (ở Phú Thọ) tử vong sau 2 giờ nhập viện do mắc virus cúm B - một chủng cúm mùa thông thường khiến dư luận lo ngại. Đặc biệt là vào thời điểm khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay thường là điều kiện lý tưởng khiến dịch cúm trên người và gia cầm dễ kết hợp tạo nên một biến thể mới gây nguy hiểm.


Cúm thường vẫn nguy hiểm

Tại thời điểm này, BV Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn tiếp nhận các ca mắc cúm mùa thông thường đến khám. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu của BV cho biết: Virus cúm tồn tại quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa đông. Đối tượng dễ mắc cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có miễn dịch kém. Nguyên nhân do thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của virus cúm.

Khi có triệu chứng cúm cần đưa người bệnh đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Thái Hiền



Theo kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng gần đây của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các chủng cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường. Chính vì vậy, khi mắc các chủng cúm này, đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm nhẹ rồi tự khỏi. Tuy nhiên, bất cứ chủng cúm nào cũng có tỷ lệ nhỏ nhất định diễn biến nặng, gây viêm phổi rồi tử vong. Giám sát các ca mắc cúm thời gian qua cũng cho thấy, trong khi 95% số ca nhiễm cúm này biểu hiện nhẹ, tự khỏi thì cũng có khoảng 5% diễn biến nặng gây viêm phổi.

Trường hợp bé gái 12 tuổi (ở Phú Thọ) tử vong vì mắc cúm B - một loại cúm thông thường, lành tính với diễn biến ca bệnh quá nhanh đã cho thấy, ngay cả đối với các loại cúm thông thường người dân cũng không nên chủ quan. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, khi mắc cúm, nếu không bị bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày nhưng trên thực tế vẫn có tỷ lệ nhỏ diễn biến thành cúm ác tính.

Đề phòng sự kết hợp giữa cúm mùa và cúm gia cầm

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện đang là thời điểm cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm khác có thể phát triển. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra trên đàn gia cầm tại 3 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và dịch cúm A/H5N6 đang xảy ra trên đàn chim cút tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là những chủng virus có độc lực cao, từng xuất hiện ở Trung Quốc, Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Thêm vào đó, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao sẽ làm tăng việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm không bảo đảm an toàn. Nếu một người đang mắc cúm mùa thông thường mà nhiễm thêm cúm A/H5N1 thì 2 loại virus này có thể kết hợp với nhau tạo nên một biến thể mới khiến việc lây truyền cúm từ người sang người mạnh hơn.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Còn đối với các bệnh cúm mùa thông thường, theo ông Trần Đắc Phu, mỗi người hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Tăng cường bảo vệ sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt, cũng như kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thêm vào đó, thường xuyên dọn dẹp thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân. Nếu có biểu hiện bệnh thì chủ động cách ly và thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn, xử lý kịp thời. Đặc biệt lưu ý, không tự ý sử dụng các thuốc kháng virus nếu không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính: Không được phép chủ quan
Nhìn chung, biến chứng tổn thương phổi của các chủng cúm đều rất nhanh chứ không riêng gì loại có độc lực mạnh hay yếu. Những người bị cúm thường có triệu chứng sốt, đau rát họng, chảy nước mũi, nước mắt hoặc nghẹt mũi, cơ thể đau nhức, đau đầu nhẹ... Do bệnh cúm thường có các triệu chứng bình thường, không điển hình nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi và không đến cơ sở y tế khám. Trong khi đó, ngay cả bệnh cúm mùa thông thường cũng rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan, không được điều trị kịp thời. Trong đó, đáng lo ngại nhất là biến chứng dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí dẫn đến tử vong.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác khi mắc cúm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.