(HNMCT) - Đến hẹn lại lên, thời điểm giao mùa là lúc sốt xuất huyết hoành hành. Năm 2021, đã có 20 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Dịch đang cao điểm, người dân cần tránh tâm lý chủ quan.
Nhiều ca diễn biến nặng
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao trong những ngày gần đây. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 tháng của năm 2021, cả nước đã ghi nhận 53.489 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 20 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng 7 trường hợp. Còn theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2021, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 3.000 ca mắc. Thời gian gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết ở Thủ đô vào khoảng 300 - 400 ca/tuần.
Theo các chuyên gia, từ cuối tháng 9, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều người nhập viện chậm trễ do tâm lý sợ Covid-19, ngại đi khám, khiến bệnh trở nặng. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 - 11 do đây là thời điểm thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết (đặc biệt tăng mạnh từ cuối tháng 9) với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu. Theo bác sĩ Cường, điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, thậm chí, có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người có các bệnh nền.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) mới đây cũng tiếp nhận và điều trị cho 22 trường hợp trẻ sốt xuất huyết, đáng chú ý là có trường hợp bé gái H.T, 9 tuổi ở Long Biên, Hà Nội, hiện đang trong tình trạng nguy kịch do nhập viện muộn. Được biết, một tuần trước khi nhập viện, H.T bị sốt cao liên tục, gia đình cho dùng hạ sốt nhưng không đáp ứng nên đã đưa cháu đến thăm khám ở cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Mặc dù được người thân theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà nhưng đến ngày thứ 6, cháu xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì. Được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng do tình trạng bệnh chuyển biến nặng, tối cùng ngày, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim, phải thở máy, nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác là bé trai H.M, 13 tuổi, cũng ở Hà Nội. Gia đình cho biết, do quanh khu vực đang sinh sống có nhiều người bị sốt xuất huyết, đồng thời trước đó trong nhà có hai em bé và người giúp việc cũng mắc sốt xuất huyết nên gia đình chỉ cho cháu theo dõi và điều trị tại nhà. Nhưng vài ngày sau, cháu sốt cao liên tục, chảy máu cam, lúc này gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy đã được điều trị được một thời gian nhưng đến nay cháu vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, ăn uống kém.
Khi nào cần tới cơ sở y tế?
Trong điều trị sốt xuất huyết, chuyên gia chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân trở nặng, khó cứu chữa, đó là chủ quan không đi khám bệnh, cho rằng hết sốt là khỏi bệnh và nghĩ chỉ mắc bệnh một lần trong đời.
Trên thực tế, với sốt xuất huyết, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao. Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type vi rút khác nhau.
Bên cạnh đó, với sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu. Vì vậy, trong chế độ ăn uống cho người bệnh, quan trọng nhất là bù nước điện giải như uống oresol. Ngoài ra, nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền chắc hơn.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, như tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, rối loạn đông máu...
Do đó, người bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện nếu có xuất hiện một trong những dấu hiệu như khó chịu hơn dù sốt giảm hoặc hết sốt, không ăn uống được, nôn ói nhiều. Đặc biệt, cần luôn chú ý các dấu hiệu khác như đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì; không tiểu trên 6 giờ.
Cũng theo bác sĩ Hải, hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.