(HNM) - Sau hơn 2 năm
Do mâu thuẫn kéo dài từ thời kỳ Chiến tranh lạnh nên mặc dù Washington đã ký "Thỏa thuận 123" với nhiều quốc gia, nhưng đến hết thời kỳ Tổng thống George Bush nắm quyền, Nga vẫn là cường quốc hạt nhân duy nhất trong số 190 nước tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) chưa ký văn kiện này với Mỹ. Do đó, quá trình hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân giữa hai bên từ trước tới nay chỉ được thực hiện dưới hình thức nhỏ lẻ. Vì trong Điều 123 của đạo Luật Năng lượng nguyên tử của Mỹ ra đời năm 1954 quy định, một thỏa thuận chính thức là điều kiện tiên quyết để Mỹ hợp tác hạt nhân với bất kỳ quốc gia nào. Nếu không có văn kiện này, cánh cửa hợp tác Mỹ - Nga về hạt nhân dân sự sẽ mãi ở tình trạng "khép hờ".
Vì thế, bản thỏa thuận được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12-2010 được coi như khung hợp tác mới dựa trên nền tảng của những nguyên tắc rõ ràng. Điều này, giúp hai nước "cởi mở" hơn trong nghiên cứu hạt nhân dân sự; đồng thời cho phép Mátxcơva và Washington trao đổi công nghệ năng lượng hạt nhân. Hay nói cách khác, thỏa thuận này đã mở cánh cửa thép từng ngăn cách giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới tiếp cận các công nghệ hạt nhân tiên tiến của nhau, mở ra triển vọng đạt được những thành tựu "có một không hai" trong xây dựng và vận hành lò phản ứng năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, bản thỏa thuận mới sẽ cho phép xứ Bạch dương và xứ Cờ hoa thực hiện các dự án điện hạt nhân thương mại chung - một kênh cải thiện đáng kể kim ngạch song phương. Một cách cụ thể, Nga sẽ có cơ hội khai thác những hợp đồng lớn cho các dự án làm giàu urani và sản xuất nhiên liệu urani giá rẻ mà nước này đang chiếm ưu thế vượt trội. Còn Mỹ sẽ có cơ hội tham khảo kỹ thuật xây dựng lò phản ứng nơtron nhanh và tái chế nhiên liệu hạt nhân.
Quan trọng hơn, cùng với START mới đang được Hạ viện Nga xem xét, thỏa thuận hạt nhân dân sự Nga - Mỹ sẽ là động lực để hai bên phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống rào cản quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển loại vũ khí này đã suy yếu đáng kể trong vài năm gần đây. Điều này không có nghĩa là các nước trong "câu lạc bộ" vũ khí hạt nhân sẽ phải lập tức "noi gương" Nga và Mỹ. Thực tế, đây mới chỉ là sự khởi đầu trên con đường dài đầy khó khăn phía trước. Nhưng sự "xích lại gần nhau" giữa hai cường quốc sở hữu tới hơn 90% kho vũ khí hạt nhân trên thế giới chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực lên những quốc gia đang có tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân. Hoặc có thể khẳng định, đây là bước đi đúng hướng, tạo ra những ảnh hưởng tích cực để cùng tiến tới mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân.
Như vậy không hẳn các thỏa thuận vừa đạt được giữa Nga và Mỹ sẽ khai thông hoàn toàn bế tắc lâu nay trong quan hệ hai nước. Những bất đồng vẫn tồn tại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dư luận quốc tế hy vọng, sự khởi đầu tích cực sẽ là động lực để hai bên có thể tiếp tục duy trì và phát triển xu hướng đối thoại thiện chí như hiện nay - một xu hướng đã tạo nên những "điểm sáng" rõ ràng trong mối quan hệ nhiều duyên nợ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.