(HNMO)-Ngày 13-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới AEC 2015, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan chức năng.
Sự kiện nhằm trao đổi thông tin, tham vấn và định hướng cho cộng đồng DN trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và thực hiện từ cuối năm 2015.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, nội dung chính của AEC là việc mở ra một thị trường chung, thống nhất là một không gian sản xuất rộng mở; trong đó các DN được phép luân chuyển tự do đối với vốn, nguồn lao động để phục vụ mục tiêu của hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, mỗi đơn vị cần tìm hiểu, nắm bắt quy định, nhất là thị hiếu tiêu dùng các quốc gia láng giềng và làm chủ tình huống, có chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập thành công trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, tận dụng thế mạnh kết hợp với hạn chế những điểm yếu, bất lợi của mình. Vấn đề đặt ra là Chính phủ, cơ quan hữu quan và giới DN cùng bắt tay nỗ lực, vượt qua thách thức; đặc biệt là làm sao để DN quy mô nhỏ và vừa có thể tận dụng được cơ hội phát triển trong bối cảnh sức ép cạnh tranh sẽ tăng cao trong thời gian tới. Khi hội nhập, vai trò của các hiệp hội ngành hàng cũng rất quan trọng và cần được phát huy một cách chủ động để làm tốt công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ, giải pháp tìm kiếm-thâm nhập thị trường cũng như bảo vệ DN trong các tranh chấp thương mại có thể xảy ra với tần suất mau hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, DN cần tập trung huy động vốn và đầu tư hợp lý để thay đổi công nghệ, ưu tiên công nghệ mới và tiết kiệm năng lượng để khắc phục điểm yếu là hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp so với nhiều loại sản phảm của DN trong khu vực. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần quan tâm thỏa đáng, có biện pháp để nâng cao chất lượng và năng suất lao động-vốn được xác định là điểm hạn chế cố hữu trong nhiều năm qua. Bước vào hội nhập AEC, DN cũng được khuyến cáo cần có bước đi sáng tạo, tạo dựng thương hịêu và sự độc đáo của sản phẩm. Tuy nhiên, cần cảnh giác với thực tế là cơ cấu hàng hóa trong nước và một số nước ASEAN khá tương đồng, từ đó có khả năng “đụng hàng” nhằm phòng tránh những bất lợi trong giao thương.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, cần nhìn nhận việc tham gia AEC là một thừơic hếim có, đầy ý nghĩa và có nhiều thuận lợi đối với cộng đồng DN Việt. Mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh nên hiểu AEC là khu vực đang phát triển nhanh và năng động nhất thế giới, nơi có sức mua gia tăng nhanh chóng cũng như là điểm hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu. Dự báo, các ngành sản xuất và dịch vụ có tính chất “xanh” thân thiện với môi trường và phục vụ nhu cầu con người sẽ có nhiều cơ hội hơn cả bên cạnh những yếu tố mới để DN có thể tận dụng. Các ngành có nhiều cơ hội gồm: Logistic, du lịch, công nghệ thông tin, thiết kế, thời trang…Yêu cầu đặt ra cho DN là tìm cách phân biệt và phát hiện được cơ hội, tạo dựng được lợi thế cạnh tranh để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm trong bối cảnh mới. Cần xác định rõ, DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế khi là đối tác và cầu nối của DN ngoài khu vực bởi qua đó DN quốc tế sẽ có dịp thâm nhập thị trường ASEAN với hơn 650 triệu người tiêu dùng và phần lớn thuế suất sẽ từng bước lùi về mức 0% vào năm 2018…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.